Mô hình kinh tế Thoát Nghèo Và Vươn Lên Làm Giàu Nhờ Biết Kết Hợp Sản Xuất

Thoát Nghèo Và Vươn Lên Làm Giàu Nhờ Biết Kết Hợp Sản Xuất

Ngày đăng 23/06/2013

Rời quê hương Thanh Hóa vào nhập cư, làm ăn sinh sống ở xã Ea Trol – 1 xã miền núi của huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Với số vốn 10 triệu đồng đã vay mượn của anh em, bà con, bạn bè ở quê, ông Nguyễn Tài Khoa mua 3 ha cà phê, gọi là vốn giắt lưng ban đầu để gia đình ông bén rễ và hình thành một cuộc sống mới ở vùng đất xa xôi này.

Ngoài 3 ha cà phê làm vốn, ông còn đi làm thuê cho các hộ khác, nhưng cuộc sống gia đình cũng không đủ ăn. Vợ sinh con nhỏ, lại đau ốm thường xuyên, tuy ông là người khuyết tật, nhưng toàn bộ cuộc sống gia đình chỉ biết dựa vào sức lao động của ông.

Ông luôn hy vọng vào 3 ha cà phê vậy mà đến mùa thu hoạch, lại trúng thời điểm giá thu mua cà phê quá thấp, nên ông bị lỗ nặng. Đã nghèo lại nghèo thêm, gia đình ông rơi vào cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, được chính quyền địa phương xét vào diện hộ nghèo có mã số.

Khi được hỏi, làm cách nào mà gia đình ông từ hộ nghèo có mã số trở thành người giàu có trong vùng? Ông cười phấn khởi: đó chính là nhờ sự quyết tâm, “đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn” của vợ chồng ông. Vợ chồng ông có sẵn tính siêng năng, cần mẫn, không ngại khó, ngại khổ của người nông dân.

Đặc biệt, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về chủ trương, chính sách chương trình dự án khuyến nông – lâm – ngư hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp - nông thôn, gia đình ông đã được vay vốn từ ngân hàng Chính sách xã hội để làm ăn, phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nhờ được tham gia học tập, tìm hiểu những tiến bộ kỹ thuật mới ở các lớp tập huấn; được tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi về trồng trọt, chăn nuôi do Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh tổ chức thường xuyên cho dân. Biết tiếp thu, áp dụng kỹ thuật khoa học vào thực tế sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt nên gia đình ông làm ăn đạt hiệu quả, từ đó đã vượt qua khó khăn, nghèo nàn, vươn lên làm giàu.

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ngoài 3 ha cây cà phê “giắt lưng” ban đầu mỗi năm ông đã thu được 30 triệu đồng, ông mở rộng quy mô trồng cây lâu năm như cây cao su, keo lá tràm kết hợp trồng xen các loại cây ngắn ngày như sắn mì cao sản mỗi năm cho thu nhập hơn 60 triệu đồng…

Với cách làm ăn như vậy, riêng về trồng trọt hàng năm ông đã thu lãi hàng trăm triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản chi phí. Hiện tại ông đang sở hữu 5 ha cây cao su, 4 ha cây keo lá tràm, 3 ha cây cà phê, 6 ha sắn mì cao sản và mỗi năm từ 5 sào lúa nước, ông đã thu hoạch được khoảng 3 tấn thóc vừa đủ để đảm bảo đời sống, vừa làm nguồn thực phẩm phục vụ cho nghề nuôi heo rừng của gia đình ông. Ông nghĩ nuôi và cho sinh sản heo rừng là mô hình mới, cần phải đầu tư và phát triển rộng hơn.

Chính vì vậy, từ 4 năm nay gia đình ông đã nuôi heo rừng chủ yếu để sinh sản và bán giống là chính. Ông cho biết, hiện tại gia đình ông đang nuôi 3 con nái và 3 con đực, mỗi năm heo đẻ từ 6 – 7 lứa, mỗi lứa được từ 5 – 7 con, giá bán từ 2 – 2,5 triệu đồng con. Cá biệt, có một lứa heo sinh được 7 con, ông bán cho người chăn nuôi với giá 2,5 triệu đồng con. Vừa rồi ông nuôi thêm 2 con heo đực trên 2 năm tuổi để phối giống. Ông chia sẻ, nuôi heo rừng không khó khăn lắm, nhất là khâu cho ăn, chăm sóc.

Chủ yếu là lúc heo đang ở thời kỳ sinh sản cần phải đầu tư nhiều về thời gian, công chăm sóc, bồi dưỡng để heo con khoẻ, đạt sản lượng. Heo rừng ăn tạp, vì vậy ngoài cám, gạo thức ăn của heo rừng thường là những loại rau, cỏ, củ sắn, khoai lang, khoai mì... Nghề nuôi heo rừng mỗi năm ông thu lãi bình quân từ 80 – 90 triệu đồng/ năm.

Nhắc đến ông, người ta không chỉ biết về những kết quả đáng nể của một hộ nghèo có mã số nay đã trở nên giàu có, mà người dân trong thôn bản còn biết đến một người giàu lòng thương người, sẵn sàng giúp đỡ vốn, gạo, ngày công cho những hộ còn nghèo, khó khăn hơn; tận tình hướng dẫn, trao đổi kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi cho bà con, giúp họ cũng thoát nghèo như mình.

Nhờ siêng năng, không ngại khó, ngại khổ, học hỏi kinh nghiệm, biết tiếp thu những kỹ thuật mới, tiến bộ từ cán bộ kỹ thuật của Khuyến nông đã truyền đạt, hướng dẫn để áp dụng vào thực tế sản xuất mà gia đình ông Nguyễn Tài Khoa từ hộ nghèo có mã số trong thôn xã, nay đã vươn lên và trở nên giàu có.


Có thể bạn quan tâm

cau-lac-bo-trong-lua-an-toan-doan-ket Câu Lạc Bộ Trồng Lúa… cam-bu-huong-son Cam Bù Hương Sơn