Mô hình kinh tế Thoi Thóp Nghề Trồng Bông Vải

Thoi Thóp Nghề Trồng Bông Vải

Ngày đăng 06/06/2012

Theo một tổng kết mới đây của Bộ Công Thương, diện tích trồng bông nước ta đang bị suy giảm nghiêm trọng, nguyên liệu bông sản xuất trong nước hiện chỉ đáp ứng được 2% so với nhu cầu của toàn ngành dệt may.

Giá trị thấp, làm ăn thua lỗ… đang là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng, người dân bỏ trồng bông hàng loạt.

Diện tích bông giảm

Đã có thời, Tây Nguyên được coi là thủ phủ của cây bông với diện tích cao điểm có lúc lên tới trên 20.000ha, song đến nay đã giảm chỉ còn chưa đầy 5.000ha và cây bông ở đây ngày càng tỏ ra yếu thế so với các cây trồng khác như sắn, bắp, cà phê…

Từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Hoan và nhiều hộ khác ở xã Ea Ven, huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) ký hợp đồng sản xuất với Công ty CP Bông Tây Nguyên với diện tích 0,6-1ha/hộ. Song việc duy trì trồng bông đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi chi phí đầu tư và công sức bỏ ra nhiều hơn, nhưng thu nhập từ cây bông chỉ bằng, thậm chí thấp hơn so với sắn, bắp.

"Cùng trên một diện tích, nếu trồng bắp, mỗi ha thu được 7 tấn, giá trị 24 triệu đồng, trong khi đầu tư hết 5 triệu. Còn nếu trồng 1ha bông, cũng chỉ thu được 22 triệu đồng, nhưng phải đầu tư hết 10 triệu đồng, bởi chi phí cho nhân công, phân bón tốn hơn bắp" - ông Hoan chia sẻ.

TS Lê Ngọc Báu- Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho rằng: "Dù nhà nước có "hà hơi, tiếp sức" cho cây bông, nhưng phải thừa nhận thực tế là hiện cây bông đang bị nhiều cây trồng khác cạnh tranh. Bởi trồng bông ở Tây Nguyên có 2 bất lợi, đó là: Điều kiện thời tiết khí hậu không thuận lợi và tốn công lao động, hiệu quả thấp".

Theo TS Báu, nếu trồng bông trong vụ 1 thì hay gặp sâu bệnh, còn trồng vụ 2 lại hay gặp hạn cuối vụ. Vì thế, dù nhà nước có hỗ trợ giống, phân bón, cây bông cũng chỉ phát triển tạm thời, chứ không thể phát triển bền vững được.

Quỹ đất cho bông eo hẹp

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng diện tích trồng bông cả nước chưa đạt 12.000ha (tức bằng khoảng 1/3 chỉ tiêu đề ra cho năm 2015 là 30.000ha). Trong khi đó, tổng sản lượng bông xơ cũng chỉ đạt xấp xỉ 5.000 tấn (bằng ¼ so với chỉ tiêu đặt ra cho là 20.000 tấn vào năm 2015).

Hiện tại, Bộ Công Thương đang phối hợp với một số địa phương như Ninh Thuận, Bình Thuận để phát triển các trang trại trồng bông mẫu.  Song theo ông Trần Quang Nghị - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may việt Nam (Vinatex), khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu quỹ đất dành cho phát triển bông trang trại. Thực tế, để được cấp đất với diện tích vài trăm ha là điều rất khó. Hơn nữa, phải cần rất nhiều vốn và thời gian để cải tạo đất và đầu tư kỹ thuật, thủy lợi…

Ông Nghị đề xuất: "Để khuyến khích người dân phát triển cây bông vải, cần lập quỹ bình ổn để hỗ trợ giá thu mua cho nông dân trong trường hợp giá bông trên thị trường giảm thấp. Theo tôi, nguồn kinh phí lập quỹ trích tối đa 2% từ giá thành sản xuất bông trong nước từ các đơn vị sản xuất bông".

Còn ông Nguyễn Quang Hiếu - nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bông Việt Nam cho rằng: " Chính phủ nên giao Bộ NNPTNT xây dựng quy hoạch rõ ràng về trồng bông, chứ không phải giao cho Bộ Công Thương. Cần tập trung quy hoạch trên 3 vùng trồng bông là: Tây Nguyên, Tây Bắc và Nam Trung Bộ với diện tích cụ thể".

Có thể bạn quan tâm

cap-bach-phong-chong-dich-benh-tren-tom-nuoc-lo Cấp Bách Phòng Chống Dịch… sau-duc-trai-tan-pha-hang-ngan-ha-buoi Sâu Đục Trái Tàn Phá…