Tin thủy sản Thời tiết thất thường, người nuôi tôm lo dịch bệnh

Thời tiết thất thường, người nuôi tôm lo dịch bệnh

Tác giả Nguyễn Hoàn, ngày đăng 03/07/2024

Thời tiết nắng mưa xen kẽ làm môi trường nước thay đổi đột ngột, là điều kiện phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi.

Nắng mưa xen kẽ, biến động môi trường nước

Vụ tôm xuân hè năm 2024, HTX Nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) thả nuôi thương phẩm hơn 5ha tôm thẻ chân trắng thâm canh. Để tôm phát triển tốt trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt do nắng nóng xen kẽ mưa dông như hiện nay, các thành viên HTX đã thường xuyên theo dõi tình hình phát triển của tôm cũng như sự biến động môi trường nước nhằm phát hiện những bất trắc có thể xảy ra để kịp thời điều chỉnh và xử lý.

Theo kinh nghiệm trong nhiều vụ nuôi tôm của anh Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng, với tình hình thời tiết nắng nóng kéo dài chuyển sang mưa như hiện nay, sẽ làm tôm dễ bị sốc nhiệt, có nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến năng suất, kích cỡ tôm nuôi. Những bệnh thường xuất hiện nhất là bệnh đốm trắng, bệnh hồng thân, hoại tử cơ và đục cơ. Chính vì thế, việc áp dụng các biện pháp nhằm ổn định các yếu tố môi trường nước để tôm phát triển luôn được đặt lên hàng đầu.

“Thời gian này chúng tôi đã áp dụng nhiều giải pháp để chăm sóc tôm nuôi như: Cho tôm ăn với khẩu phần và chế độ ăn hợp lý theo kích cỡ, mật độ; giảm lượng thức ăn 15 - 30% trong những ngày nắng nóng và ngừng cho ăn khi trời có mưa; định kỳ 10 - 15 ngày/lần bổ sung vitamin C, khoáng vi lượng; sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn, thời gian mỗi đợt từ 5 - 7 ngày để tăng cường sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ; sử dụng các loại chế phẩm sinh học định kỳ 10 - 15 ngày 1 lần để xử lý nước và đáy ao nuôi. Đặc biệt, mực nước ao nuôi luôn được đảm bảo từ 1,2 - 1,5m để hạn chế sự biến động nhiệt độ nước, phân tầng nước nhằm ổn định môi trường để tôm phát triển tốt”, Giám đốc HTX Nuôi trồng thủy sản Hạ Vàng cho biết thêm.

Hộ nuôi tôm tại Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Hà Lầm đang vớt xác tảo tàn, váng bọt ở góc ao để giữ môi trường nước trong sạch. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Đối với tôm nuôi, nhiệt độ để tôm sinh trưởng và phát triển tốt là từ 26 - 32 độ C. Khi nhiệt độ quá cao hay quá thấp hoặc biến động đột ngột sẽ khiến tôm dễ bị sốc môi trường, dẫn tới sức khỏe yếu, tạo cơ hội cho dịch bệnh lây nhiễm. Nắng nóng, xuất hiện mưa dông đột ngột, thời tiết oi bức cũng khiến các loại cây cỏ thủy sinh trong ao bị chết, môi trường trở nên phú dưỡng, giúp tảo phát triển mạnh, làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.

Tại vùng nuôi tôm của Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Hà Lầm ở thôn Đông Hà 2 (xã Thạch Long, huyện Thạch Hà), hầu hết diện tích đang nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến và bán thâm canh nên sự biến động môi trường ao nuôi trong những ngày thời tiết nắng mưa thất thường này đã làm các hộ dân không khỏi lo lắng. Vì thế, các hộ nuôi phải thường xuyên ra đầm kiểm tra, theo dõi và áp dụng các biện pháp chống nóng nhằm hạn chế dịch bệnh.

Ông Nguyễn Trung Hoa – Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi trồng thủy sản Hà Lầm cho biết: Nâng cao mực nước cho ao nuôi; sử dụng quạt nước thường xuyên, nhất là vào ban đêm từ 22h đến 4h sáng; thường xuyên vớt các tảo tàn và các váng bọt trong ao... là những biện pháp mà các hộ dân ở đây áp dụng nhằm tạo môi trường sạch, tăng cường hàm lượng oxy hòa tan, đặc biệt là tầng đáy nhằm tạo điều kiện cho vi sinh vật hiếu khí phát triển, làm giảm thiểu lượng khí độc trong ao. Trước và sau mỗi đợt có xuất hiện mưa giông, xung quanh bờ ao đều được bà con rải vôi để ngăn nước mưa mang phèn và chất bẩn từ trên bờ ao xuống. 

Anh Trần Văn Minh, hộ nuôi tôm tại thôn Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà) đầu tư hệ thống mái che để bảo vệ tôm nuôi trước thời tiết bất lợi. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Để giảm thiểu rủi ro do thời tiết bất thuận, hiện nay nhiều cơ sở nuôi tôm thâm canh tại Hà Tĩnh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để làm ao tròn nổi lót bạt đáy trong nhà lưới, xây dựng bể nuôi có mai che, lắp đặt hệ thống bạt che nắng. Đây là những biện pháp để bảo vệ tôm nuôi, hạn chế dịch bệnh, đảm bảo cho sự phát triển của tôm ngay cả khi thời tiết bất lợi xảy ra.

Anh Trần Văn Minh, chủ hộ nuôi tôm tại thôn Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà) chia sẻ. “Để giảm thấp nhất sự biến động của môi trường nước ao nuôi, tôi phải bỏ ra gần 50 triệu đồng mua lưới về phủ cho cả 2 ao với diện tích hơn 1ha.  Nhờ có nhà lưới, khi nắng nóng nhiệt độ trong ao nuôi có thể giảm 7 – 8 độ C, khi gặp mưa cũng hạn chế nước mưa vào ao nuôi nên đảm bảo điều kiện cho tôm nuôi phát triển tốt”.

Nguy cơ dịch bệnh ở vùng nuôi quảng canh

Thực tiễn cho thấy, những hộ nuôi áp dụng công nghệ cao, ao nuôi có mái che sẽ giúp quản lý được môi trường ao nuôi, hạn chế sự biến động, tôm phát triển thuận lợi. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện nay mới chỉ có khoảng 650ha (chiếm gần 30% diện tích nuôi tôm) áp dụng công nghệ cao, còn lại phần lớn vẫn nuôi tôm theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến và bán thâm canh, thâm canh.

Người nuôi cần nắm rõ quy trình chăm sóc và xử lý môi trường, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho tôm phát triển tốt. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Tại các vùng nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, hệ thống hạ tầng cấp thoát nước còn hạn chế, việc đầu tư cải tạo ao đầm chưa thật sự bài bản nên nguy cơ dịch bệnh xảy ra rất cao và khó kiểm soát.

Ông Phan Văn Thanh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lộc Hà cho biết: Huyện có diện tích nuôi tôm khá lớn nhưng chủ yếu nuôi tôm theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến nên dịch bệnh dễ phát sinh và khả năng lây lan cao hơn so với nhiều địa phương khác.

Từ giữa tháng 5/2024, trên địa bàn huyện Lộc Hà đã xuất hiện tôm bị chết. Sau khi có thông tin, ngành chuyên môn huyện đã báo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh xuống lấy mẫu xét nghiệm, đưa ra kết luận tôm chết do bệnh đốm trắng - một trong những bệnh nguy hiểm gây chết ở tôm rất nhanh. Đến nay, đã có 4 hộ có tôm bị nhiễm bệnh trên diện tích hơn 4,5ha, tập trung tại xã Hộ Độ.

Để hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại, huyện Lộc Hà đã hỗ trợ 1,5 tấn chlorine cho người dân khử khuẩn nước ao nuôi. Đồng thời hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Hiện đang là giai đoạn giao mùa, thời tiết rất thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh nên người nuôi tôm cần thường xuyên kiểm tra ao nuôi cũng như tình hình sức khỏe tôm. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực của Hà Tĩnh, đem lại giá trị kinh tế cao. Vụ tôm xuân hè 2024, toàn tỉnh thả nuôi trên diện tích hơn 2.250ha, đến thời điểm này đã thả nuôi được trên 80% diện tích. Hiện tôm nuôi đang trong giai đoạn phát triển quan trọng, một số vùng chuẩn bị bước vào thu hoạch.

Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, thời gian tới, tình hình thời tiết vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, người nuôi tôm cần nắm vững kỹ thuật nuôi và xử lý nguồn nước ổn định trong ao đầm; đồng thời tăng cường nguồn thức ăn giàu Vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho tôm. Những vùng đã xuống giống tôm cần thường xuyên kiểm tra và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp, tránh tình trạng dư thừa, gây ô nhiễm môi trường nước. Ngoài ra, cần định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường vi khuẩn có lợi và ổn định môi trường.

Đối với các địa phương như thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh, huyện Lộc Hà đã xuất hiện dịch đốm trắng trên tôm trước đó, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo chính quyền địa phương, người nuôi cần triển khai kịp thời, đầy đủ các giải pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh lây lan theo quy định; thực hiện “3 không” (không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý và không xả bỏ tôm chết, tôm bệnh ra ngoài môi trường...). Khi phát hiện tôm nuôi có hiện tượng bất thường phải báo ngay với cơ quan chuyên môn để xử lý, khống chế kịp thời, không để dịch bệnh lan ra diện rộng.


Có thể bạn quan tâm

tang-cuong-cac-bien-phap-chong-nong-trong-nuoi-trong-thuy-san Tăng cường các biện pháp… khong-che-dich-benh-tren-tom-nuoi Khống chế dịch bệnh trên…