Thống kê nông sản Thông tin đáng chú ý về thị trường nông thủy sản tuần qua

Thông tin đáng chú ý về thị trường nông thủy sản tuần qua

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 28/04/2020

Giá thủy sản tăng trở lại; Nguồn cung tôm có thể thiếu hụt; Gần 4.400 container gạo xuất khẩu qua cảng Cát Lái đã được thông quan; Quý 2 xuất khẩu cà phê sẽ khó khăn…

Giá nhiều loại thủy sản tăng trở lại

Thông tin từ baotintuc.vn, gần một tuần nay, thị trường thu mua thủy sản ở tỉnh Trà Vinh đã sôi động trở lại, giá tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với gần 2 tháng qua. Các loại thủy sản đang được các thương lái tập trung thu mua, như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, sò huyết. Cụ thể, tôm sú loại từ 10 - 15 con/kg có giá 290. 000 - 300.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 90 con/kg có giá 100.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; tôm càng xanh mua xô 130.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; sò huyết loại 60 con/kg có giá 70.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg.

Riêng cua biển hiện nông dân trong tỉnh Trà Vinh bước vào đầu vụ thu hoạch và được nhiều thương lái tập trung thu mua cung ứng thị trường các tỉnh và tại TP Hồ Chí Minh. Giá cua thịt loại 5 - 6 con/kg từ 150.000 - 160.000 đồng/kg, cua thịt loại I (3 con/kg) từ 270.000 đồng/kg, cua gạch từ 300.000 đồng/kg, tăng bình quân 10.000 đồng/kg.

Bình quân mỗi năm, Trà Vinh có diện tích nuôi cua biển khoảng 13.000 ha; trong đó, có khoảng 35 % diện tích nuôi thâm canh, năng suất đạt từ 0,8 - 1,2 tấn/ha. Tổng sản lượng cua biển thương phẩm thu hoạch của tỉnh đạt trên 1.400 tấn/năm, mức lợi nhuận nuôi cua biển thâm canh đạt từ 100 - 120 triệu đồng/ha/năm

Nguồn cung tôm Việt Nam có thể thiếu hụt do nông dân do dự thả giống

Theo vietnambiz.vn, các công ty kinh doanh tôm hàng đầu Việt Nam bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tình trạng thiếu tôm có thể xảy ra trong nửa cuối năm nay do nông dân trì hoãn việc thả giống vì lo sợ đại dịch virus corona ảnh hưởng tới xuất khẩu.

Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng ra các nước trên thế giới, các đối tác thương mại tôm của Việt Nam đã giảm đáng kể việc nhập khẩu. Bắt đầu từ cuối tháng 2 và đầu tháng 3, nhiều nhà nhập khẩu ở châu Âu đã ngừng nhận hàng và đến giữa tháng 3, khách hàng ở Bắc Mỹ, châu Á, Trung Đông và Nam Mỹ cũng quyết định hủy hoặc hoãn đơn đặt hàng.

Sự sụt giảm trong xuất khẩu đã khiến giá tôm giảm mạnh. Hiện tại, giá đã bắt đầu cải thiện từ mức thấp trong cuối tháng 3 với mức giá tăng phụ thuộc vào các loại tôm có kích thước khác nhau. Đối mặt với sự bất ổn định chưa từng có trên thị trường, nhiều nông dân đã chọn cách không tiếp tục thả giống trong vụ mùa hiện tại. Tại Sóc Trăng, tỉnh có năng suất nuôi tôm cao nhất Việt Nam, tính đến nay thả giống được 6.000 ha, chỉ chiếm 24% tổng diện tích 25.000 ha.

Chủ tịch công ty tôm có trụ sở tại Sóc Trăng, ông Hồ Quốc Lực cho biết những tin đồn vô căn cứ đã khiến người dân lo sợ, điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu và tác động lâu dài cho ngành tôm ngay cả khi thị trường trở lại bình thường. Ông Lực hi vọng nông dân sẽ bắt đầu thả giống vào tháng 5 khi điều kiện thời tiết thuận lợi và nguy cơ mắc bệnh thấp hơn.

Gần 4.400 container gạo xuất khẩu qua cảng Cát Lái đã được thông quan

Thông tin từ haiquanonline.com.vn, theo thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, kể từ ngày 19/4/2020 đến hết ngày 25/4/2020, đơn vị đã làm thủ tục thông quan cho 4.374 conatiner, với trên 114.065 tấn gạo xuất khẩu. Số gạo xuất khẩu nêu trên được các doanh nghiệp mở 251 tờ khai thực hiện trong hạn ngạch gạo xuất khẩu được Chính phủ cho phép.

Ngoài ra, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cũng làm thủ tục thông quan đối với 12 tờ khai xuất khẩu gạo nếp, với tổng số gạo được thông quan gần 4.000 tấn (157 container).

Theo Cục Hải quan TPHCM, để tạo thuận lợi cho các DN thực hiện thủ tục xuất khẩu gạo, đơn vị đã chỉ đạo các chi cục hải quan cửa khẩu thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo, bố trí CBCC trực 24/7 để thực hiện thông quan cho DN. Trong đó, các văn bản chỉ đạo được cập nhật kịp thời để thông báo nhanh cho các DN, phối hợp với DN kinh doanh cảng điều tiết, thống kê các container gạo cập cảng để hỗ trợ DN...

Nhóm hàng nông sản xuất khẩu đầu tiên đạt kim ngạch “tỷ đô”

Theo haiquanonline.com.vn, trong 15 ngày đầu tháng 4, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 183,7 triệu USD, qua đó nâng tổng kim ngạch tính từ đầu năm lên 15/4 đạt hơn 1,07 tỷ USD.

Trong 8 nhóm hàng chính thuộc lĩnh vực nông sản được Tổng cục Hải quan thống kê và công bố định kỳ (rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su), rau quả là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất và cũng là nhóm hàng đầu tiên đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên. Dù vậy, so với cùng kỳ 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả vẫn đang chịu tăng trưởng âm. Cụ thể, cùng kỳ 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt gần 1,18 tỷ USD. Như vậy kim ngạch những tháng đầu năm 2020 sụt giảm hơn 100 triệu USD, tương đương sụt giảm khoảng 9%. Hiện, thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam khá phong phú, nhất là các quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á, châu Mỹ, châu Âu…Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với mặt hàng này.

Cập nhật theo thị trường của Tổng cục Hải quan trong quý I/2020 cho thấy, riêng Trung Quốc đạt kim ngạch 525,6 triệu USD, chiếm đến 59% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của các nước.

Các thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực khác có thể kể đến như: Thái Lan 50,5 triệu USD; Hàn Quốc đạt 41,6 triệu USD; Hoa Kỳ 35,8 triệu USD; Nhật Bản 35,6 triệu USD

Quý II - xuất khẩu cà phê sẽ khó khăn

Haiquanonline.com.vn đưa tin, dịch Covid-19 chưa gây ra nhiều ảnh hưởng tới XK cà phê của Việt Nam trong quý đầu tiên của năm 2020. Trong quý II, dự báo đại dịch sẽ tác động nghiêm trọng tới XK cà phê khi các thị trường tiêu thụ chính đều gặp khó khăn, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, 3 tháng đầu năm nay, khối lượng và giá trị XK cà phê của Việt Nam lần lượt đạt 474 nghìn tấn và 801 triệu USD, giảm 3% về khối lượng và giảm 5,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đến hết ngày 15/3, Đức, Mỹ và Ý tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 15,1% (121,29 triệu USD), 10% (80,62 triệu USD) và 9,5% (76,91 triệu USD).

Tại thị trường nội địa, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) thông tin, trong tháng 3, thị trường cà phê biến động giảm cùng xu hướng thị trường thế giới. So với tháng 2/2020, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 600 – 800 đ/kg xuống mức 30.500 – 30.700 đ/kg. So với cuối năm 2019, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.600 – 2.100 đ/kg.

Đáng chú ý, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, cuối tháng 3, giá cà phê Robusta trong nước đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm. Điển hình như ngày 30/3, giá cà phê giảm từ 4,8 - 5,7% so với ngày 29/2, xuống còn 29.500 đ/kg tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng và 30.000 đ/kg tại huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Tại cảng khu vực TP HCM, giá cà phê Robusta loại R1 giảm 4,9% so với ngày 29/2, xuống mức 31.300 đ/kg. Giá thấp khiến người trồng cà phê hạn chế bán ra, DN thiếu nguồn cung cho XK.

Trong quý I/2020, dịch Covid-19 chưa tác động quá nhiều tới XK cà phê của Việt Nam. Tuy nhiên dự báo trong quý II cũng như thời gian xa hơn đến hết năm nay, khó khăn sẽ tăng lên đáng kể.


Có thể bạn quan tâm

san-luong-duong-cua-brazil-du-kien-o-muc-ky-luc-41-trieu-tan-trong-nien-vu-moi Sản lượng đường của Brazil… gia-dau-co-tai-malaysia-thap-nhat-9-thang Giá dầu cọ tại Malaysia…