Thủ Lĩnh “Cá Xen Ếch” Trên Hồ Suối Hai
Trước tình cảnh nhiều hộ nuôi thủy sản tại Cẩm Lĩnh cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước đang lao đao vì giá ếch thương phẩm liên tục giảm trong thời gian qua do nguồn ếch được nhập ồ ạt từ Trung Quốc về qua đường tiểu ngạch, đã khiến nhiều chủ trang trại phải treo ao, treo lồng, thì mô hình nuôi kết hợp giữa cá lồng xen ếch trên hồ Suối Hai của hộ ông Lã Đức Quảng đang được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nơi đây.
Quả thật, khi lên hồ Suối Hai (thuộc xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) hỏi thăm mọi người ai cũng biết đến ông Lã Đức Quảng, với bản chất tần tảo, cần cù chịu khó bám hồ suốt nhiều năm nay để phát triển nghề nuôi thuỷ sản lồng bè.
Cơ duyên đến với nghề nuôi lồng
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo đông anh em ở thôn Quỳnh Lâm, xã Cao Thủy (Ba Vì), thấu hiểu được gia cảnh khó khăn, ông Quảng đã phải nghỉ học từ lớp 3, để dấn thân vào cuộc mưu sinh đầy gian khó nhằm phụ giúp kinh tế cho bố mẹ. Năm 1988, ông xây dựng gia đình.
Thiết tưởng, vợ chồng son trẻ sức khỏe có sẵn có thể thoát đói giảm nghèo được, nhưng cái nghèo truyền thống khiến vợ chồng ông Quảng không đủ lực thoát khỏi vòng luẩn quẩn của kiếp người cày thuê cuốc mướn, mò mẫm con tôm con tép dưới hồ Suối Hai.
Cái sự nghèo khó như “chiếc vòng kim cô” cứ đeo đẳng cuộc sống của vợ chồng ông. Cho đến một ngày, duyên may đã đến với ông Quảng, khiến cho chất lượng cuộc sống của gia đình ông ngày càng được nâng lên. Năm 1994, ông Quảng đang khai thác cá trên hồ Suối Hai (thuộc xã Cẩm Lĩnh – Ba Vì) thì được Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản 1 thuê đóng lồng cá để nuôi thí nghiệm cá rô phi trên hồ.
Vốn gắn bó với hồ Suối Hai, lại có đôi tay khéo léo và óc sáng tạo, nên khi làm thuê lồng cá, ông Quảng “nảy” ra sáng kiến: Đầu tư nuôi cá lồng để xóa đói giảm nghèo. Cuối năm đó mô hình nuôi cá rô phi trong lồng tại hồ Suối Hai của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã mang lại thành công.
Ông Quảng bàn với gia đình nhận thầu 3000m2 đất và mặt nước hồ Suối Hai để nuôi cá lồng. Khi có tư liệu sản xuất trong tay ông nhớ tới câu :“Nhất nuôi cá nhì gá bạc” thì với diện tích mặt nước rộng lớn và sạch như hồ suối hai mà kết hợp với nuôi cá lồng thì sẽ nhanh chóng “vực” được kinh tế gia đình.
Đứng dậy sau những lần vấp ngã
Nghĩ là làm, ông Quảng đã huy động toàn bộ nguồn lực đầu tư làm lồng để nuôi cá rô phi đơn tính. Sau 6 tháng, sản phẩm cá lồng cho gia đình ông thu nhập gần 10 triệu đồng.
Bước đầu “phát tài”, ông quyết định mở rộng diện tích đầu tư lớn hơn. Nhưng nào ai hay sau 3 tháng, thất bại đến bất ngờ: Khi kiểm tra cá ăn thì thấy cá “lọt” lồng rất nhiều, do lồng làm bằng gỗ và tre nên bị mục nát. Lúc này ông mới thấy nuôi con cá không dễ chút nào. Nhưng trong lúc khó khăn nhất cũng là lúc ý chí và quết tâm làm giàu của ông lại càng cao.
Ông Quảng đã quyết tâm đi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng ở một số nơi như khu vực nuôi cá lồng ở Gia Lâm, Hải Dương, Hà Nam… Lần này ông vay mượn vốn của anh em bạn bè đầu tư lớn. Đặc biệt, ông thiết kế hệ thống lồng bằng khung sắt và lưới dù để tránh thất thoát cá.
Trong lồng ông nuôi nhiều loại cá khác nhau như rô phi, điêu hồng, cá trắm đen….Khi cá đã đạt kích cỡ thương phẩm thì thiên tai lại mang thất thu đến với những chiếc lồng trên hồ. Một cơn bão gây sóng to vẩn đục ô nhiễm môi trường đã “cướp trắng” của ông 10 tấn cá. Thất bại liên tiếp thất bại, nhưng ông luôn động viên vợ con “Thất bại là mẹ thành công, mình có công trời không phụ”.
Vậy là cả gia đình ông bắt tay vào thu dọn và tẩy trùng lồng nuôi chuẩn bị giống cho một vụ nuôi cá lồng mới. Nhưng lần này ông đã rút ra kinh nghiệm cần phải đặt lồng nuôi ở những vị trí có nguồn nước chảy nhưng lại phải kín gió để tránh bão. Khi đã chọn được vị trí nuôi tốt thì một câu hỏi nữa đặt ra với ông là cần nuôi con gì và nuôi như thế nào để tận dụng được hết các tầng nước.
Qua nhiều lần thất bại đã khiến ông thận trọng hơn đó là làm gì cũng cần phải học hỏi và có khoa học kỹ thuật. Ông đã sưu tầm tài liệu trên báo đài và đặc biệt được sự tư vấn của cán bộ khuyến nông giúp ông chọn được hình thức nuôi mới là cá lồng xen ếch.
Theo ông Quảng cái hay và sáng tạo trong mô hình nuôi trồng thủy sản này là thức ăn thừa của ếch trở thành nguồn thức ăn tận dụng nuôi cá. Hơn nữa bằng kinh nghiệm lâu năm gắn bó với hồ suối Hai, ông còn tận dụng một lượng lớn cá tạp từ hồ để bổ sung vào thức ăn cho ếch và cá. Biện pháp này giúp ông giảm được một phần ba lượng thức ăn cho cá. Trong quá trình nuôi, ông luôn được hướng dẫn tận tình từ cán bộ Khuyến nông về biện pháp phòng bệnh từ xa cho cá và ếch bằng những cây thảo mộc sẵn có tại địa phương.
Vì vậy hầu như cá, ếch đều không bị bệnh, có chất lượng thịt thơm ngon, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng. Kết quả, hiện nay với diện tích gần 200m3 lồng, mỗi năm, ông nuôi được 2 lứa cá và 3 lứa ếch cho thu nhập 400 – 500 triệu đồng.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế hộ gia đình, ông Quảng luôn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các hộ trong thôn, xã và nhiều nông dân có nhu cầu nuôi ếch.
Đối với các hộ dân sống quanh khu vực hồ Suối Hai vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế thì gia đình ông Lã Đức Quảng luôn là tấm gương sáng được nhiều bà con ngưỡng mộ noi theo và phong cho ông danh hiệu Thủ lĩnh “cá xen ếch” lồng trên hồ Suối Hai.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ