Thu mua lợn mỡ thêm một trái đắng từ tiểu ngạch
Nắm bắt nhu cầu thị trường, từ khoảng đầu tháng 4 vừa qua, thương lái Trung Quốc gia tăng việc thu mua lợn của Việt Nam, nhất là lợn mỡ (khoảng từ 100 kg/con trở lên) do thị hiếu tiêu dùng của nước này ưa chuộng thịt lợn mỡ. Động thái thu mua của Trung Quốc đã đẩy giá lợn trong nước lên cao, có thời điểm lên tới gần 60.000 đồng/kg.
Tuy nhiên chỉ hơn một tuần trở lại đây, thương lái không còn đoái hoài đến lợn mỡ tại Việt Nam khiến giá lợn hơi xuất chuồng quay đầu giảm rõ rệt. Ở miền Bắc, từ mức giá cao 55.000 - 56.000 đồng/kg, lợn hơi giảm xuống chỉ còn 50.000 - 52.000 đồng/kg. Còn ở các tỉnh phía Nam, giá thu mua lợn hơi đã giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg. Không những giá giảm, đầu ra của lợn thương phẩm cũng chững lại, thậm chí nhiều trang trại có lợn đạt trên 100kg không tiêu thụ được kể cả thị trường trong nước, do thị hiếu tiêu dùng của Việt Nam thích ăn thịt lợn nạc hơn.
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho hay: Thời gian gần đây, giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc liên tục tăng cao và đã vượt mức giá cao nhất vào tháng 6/2011 do hạn chế về nguồn cung.
Để giải quyết vấn đề này, các cơ quan Trung ương và địa phương Trung Quốc đã tăng cường nguồn cung thịt lợn đông lạnh từ kho dự trữ quốc gia cho thị trường nội địa. Tuy nhiên vấn đề thiếu nguồn cung thịt lợn tại thị trường Trung Quốc vẫn chưa thể giải quyết một cách hiệu quả.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu lợn sống từ Việt Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đất liền... giữa hai nước cũng tăng mạnh.
Như vậy, nhu cầu của thị trường về lợn mỡ là có thật. Tuy nhiên sự chóng vánh của các giao dịch qua đường tiểu ngạch đã khiến những giao dịch ở “phần đuôi” của “cơn sốt” thịt lợn mỡ trở nên ảo. Những giao dịch bất thành này đã khiến lợn mỡ một lần nữa chịu chung số phận với nhiều ngành hàng nông sản khác từng bị "dội chợ" sau nhiều đợt thu mua chóng vánh của thương lái qua đường tiểu ngạch.
“Với những thương lái thu mua qua đường tiểu ngạch, chúng ta không thể biết kế hoạch mua của họ là bao nhiêu. Theo thị sát của phía Cục Chăn nuôi, có những ngày ở khu vực biên giới có tới 60 - 70 xe lợn tập kết, vận chuyển qua biên giới, thậm chí có nơi còn lập hàng rào, đường dẫn để lùa lợn chạy qua biên giới. Chính việc bị động trong kế hoạch sản xuất và đầu ra đã khiến cho ngành chăn nuôi của nước ta tiềm ẩn nhiều rủi ro”, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) chia sẻ.
Đến nay, câu chuyện xuất khẩu tiểu ngạch lợn sang Trung Quốc chưa thể có hồi kết, đồng nghĩa với tình trạng bất ổn của chăn nuôi vẫn chưa được giải quyết. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi tiếp tục đưa ra khuyến nghị, để không lặp lại “điệp khúc” trên, người dân cần thận trọng khi tái đàn. Đồng thời đẩy mạnh chăn nuôi theo chuỗi liên kết, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, có kế hoạch sản xuất cụ thể mang tính ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ