Tin thủy sản Thử nghiệm nuôi tôm hùm trên bờ

Thử nghiệm nuôi tôm hùm trên bờ

Tác giả Kim Sơ, ngày đăng 27/06/2019

Lâu nay nuôi hùm chủ yếu thả nuôi trong lồng bè trên biển, chứ chưa thấy ai nuôi tôm trên bờ. Nhưng nay, các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt Viện III) đã mở ra “cánh cửa mới” khi nghiên cứu thả nuôi tôm hùm trong bể xi măng.

Bể nuôi tôm hùm

Kết quả ban đầu của mô hình rất khả quan với tỷ lệ sống tôm hùm đạt khá cao. Không những thế tôm nuôi trong bể có chất lượng tốt như vỏ mỏng, sạch, không bị đen bụng, đen mang, khả năng đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi thực phẩm sạch của người tiêu dùng hiện nay.  

Nghề nuôi tôm hùm thiếu bền vững

Nuôi tôm hùm lồng trên biển ven bờ là nghề truyền thống của ngư dân miền Trung, với sản lượng thu hoạch trên dưới 2.000 tấn/năm. Tuy nhiên nghề nuôi hiện nay đang đứng trước những thách thức thiếu bền vững. Thứ nhất, việc nuôi tôm hùm cho ăn bằng thức ăn tươi trong môi trường biển hở dẫn đến khó kiểm soát môi trường và mầm bệnh nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra.

Thứ hai, nghề nuôi này cũng phần nào tác động đến tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong các vịnh với những lý do khác nhau. Cụ thể như tại Phú Yên với mật độ thả nuôi quá dày đã thải lượng chất thải vượt quá sức tải của môi trường nuôi.

Thứ ba, hiện tượng thiên tai ngày càng cực đoan và diễn biến phức tạp cũng tác động không nhỏ đến nghề nuôi. Như cơn bão số 12 năm 2017, đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung bộ đã tàn phá hầu hết các bè nuôi tôm hùm ở vùng trọng điểm, nhất là tỉnh Khánh Hòa, khiến nhiều người lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Trước tín hiệu cảnh báo tính chưa bền vững của nghề nuôi tôm hùm bằng lồng trong các vùng vịnh, vấn đề đặt ra yêu cầu phát triển hình thức nuôi mới, hiện đại. Cùng với đó là để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm hướng mục tiêu đạt 2.600 tấn/năm vào năm 2030, cần có giải pháp đồng bộ trong đó có mục tiêu phát triển hình thức nuôi tôm hùm trong hệ thống nuôi trong bể trên bờ tái sử dụng nước (RAS).

Từ đó, Bộ NN-PTNT đã giao Viện III thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ nuôi thâm canh tôm hùm thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp trong bể tuần hoàn”.  

Kết quả khả quan

Để tìm hiểu hình thức nuôi hùm trong RAS, chúng tôi đến vùng bãi ngang ven bờ Dốc Đá Trắng, thôn Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) và thật sự ngạc nhiên khi thấy những con tôm hùm đạt kích cỡ thương phẩm đang bơi lội trong bể.

Ghi nhận, với cách nuôi này người nuôi không cần lồng bè hay ca nô vận chuyển, mà chỉ cần xây dựng các bể nuôi, bể lắng, bể lọc nước, bể chứa nước bằng xi măng hoặc composite có thể tích từ 20 - 30 m3, được xây trong nhà có mái che và dùng các thiết bị tạo tuần hoàn nước chảy khép kín.

Tuần hoàn nước được hiểu là nước trong bể nuôi tôm được thu gom xử lý bằng hệ thống lọc làm trong và làm sạch nước. Sau đó nước này sẽ được bơm trở lại bể nuôi liên tục, vì thế định kỳ 2 đến 3 tuần mới phải lấy thêm nước từ tự nhiên.

Sau 18 tháng nuôi, tôm đạt khối lượng trung bình 0,68 kg/con; tỉ lệ sống 71,76%.

Để hoàn thiện quy trình nuôi tôm hùm sử dụng 100% thức ăn viên có hiệu quả kinh tế, cần tập trung giải quyết các vấn đề như: nghiên cứu ứng dụng thiết bị khử N03-N trong RAS nuôi tôm hùm bông để hướng đến năng suất nuôi cao hơn; nghiên cứu giải pháp xử lý nước đầu vào bằng ozone thay thế chlorine phục vụ nuôi tôm hùm trong RAS. Nhất là nâng cao chất lượng của viên thức ăn công nghiệp dựa trên việc bổ sung các thành phần có giá trị dinh dưỡng như các acid amine thiết yếu hoặc các thành phần có tiềm năng kích thích miễn dịch và sử dụng các nguyên liệu đầu vào dạng bột siêu mịn làm thức ăn.

Cách nuôi trên bờ khá ưu việt, cụ thể việc cho tôm ăn rất đơn giản, chỉ cần đứng bên cạnh bể rải vào bể.

Sau bữa ăn, tôm nuôi nghỉ ngơi trên những tấm lưới đặt theo chiều thẳng đứng trong bể. Còn việc kiểm tra tôm được thực hiện bằng cách dùng đèn pin soi trực tiếp vào tôm, không phải lặn xuống biển như cách nuôi truyền thống.

Định kỳ từ 2 - 3 ngày thì xi phông đáy bể nuôi và bể lắng nhằm thu gom các chất thải của tôm và thức ăn dư thừa.

Bên cạnh đó, cách nuôi này có thể chủ động kiểm soát được các chỉ tiêu môi trường cho phù hợp với điều kiện phát triển của con tôm bằng cách hàng tuần bón vi sinh cho bể lọc và theo dõi các chỉ tiêu môi trường nước nhờ thiết bị đo tự động.

Chủ nhiệm đề tài, TS Mai Duy Minh cho biết, đề tài triển khai được kế thừa các thành tựu của đề tài trước đó về nuôi tôm hùm trong bể xi măng do Thạc sỹ Nguyễn Cơ Thạch, Viện III, làm chủ nhiệm.

Sau khi kết thúc đề tài đã nuôi được tôm hùm trong bể tuần hoàn, nhưng vẫn còn phải dùng một phần thức ăn tươi. Mà thức ăn tươi là thành phần tiềm ẩn mang mầm bệnh, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nuôi và vì thế sản phẩm tôm nuôi thường bị đen đuôi.

Do đó, Bộ NN-PTNT tiếp tục cho triển khai đề tài với mục tiêu cao hơn là dùng thức ăn công nghiệp thay thế hoàn toàn thức ăn tươi, để tạo ra sản phẩm chất lượng.

Để chuyển sang mô hình nuôi sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, nhóm nghiên cứu đã hiệu chỉnh lại từ thiết kế bể lọc, bể nuôi, bể lắng, bể chứa cho đến chọn lựa máy bơm ngầm, đèn UV xử lý nước, máy cấp ô xy, máy ổn định nhiệt độ nước.

Bên cạnh đó nghiên cứu lựa chọn máy sấy, máy đùn viên… để tạo viên thức ăn cho tôm phù hợp. Nhờ đó, đến nay nhóm nghiên cứu đã có hệ thống nuôi tuần hoàn nước ổn định, cùng với sản xuất thành công thức ăn dạng viên khô nuôi tôm hùm từ nguyên liệu bột cá, tôm, bột đậu và thành phần vi lượng khác để phòng và trị bệnh nguy hiểm trên tôm hùm.

Theo TS Mai Duy Minh, trong điều kiện bể nuôi tuần hoàn sử dụng 100% thức ăn viên và thả nuôi tôm hùm bông cỡ 15,5 g/con, mật độ 8 con/m2, sau 18 tháng nuôi, tôm đạt khối lượng trung bình 0,68 kg/con; tỉ lệ sống 71,76%; năng suất đạt 3,91 kg/m2; hệ số thức ăn FCR = 3,22. Tăng trưởng của tôm chậm hơn, tỉ lệ sống thấp hơn so với nuôi tôm trong lồng biển bằng thức ăn tươi. Nguyên nhân trong quá trình nuôi chúng ta đã sử dụng 100% thức ăn viên. Trong trường hợp chúng ta giải quyết được vấn đề dinh dưỡng trong khẩu phần ăn cho tôm thì sau 18 tháng thả nuôi có thể đạt 0,8 con/kg, khi đó mức lợi nhuận sẽ đạt 41%.

Tuy nhiên nuôi tôm trong bể tuần hoàn có vỏ mỏng, sạch, không bị đen bụng đen mang; có khả năng đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch. Bên cạnh đó, chất lượng thịt tôm hùm nuôi trên bờ cũng không kém gì so với tôm nuôi trên lồng.

Sẽ chuyển giao cho người nuôi trong tương lai gần

Theo TS Mai Duy Minh, mặc dù đề tài này đã đạt được mục tiêu ban đầu đề ra là có được quy trình nuôi theo mô hình trong bể song chưa chuyển giao ngay cho người nuôi vì chưa đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Tuy nhiên nhóm nghiên cứu có niềm tin là sẽ thành công trong 2 - 3 năm nữa. Khi đó nhóm nghiên cứu sẽ chuyển giao kỹ thuật cho các hộ nuôi, DN đảm bảo về năng lực tài chính, trình độ kỹ thuật, giấy phép nuôi (địa điểm nuôi trong vùng quy hoạch và hạn ngạch sản lượng nuôi) để quản lý sản lượng, tránh cung vượt quá cầu, đảm bảo phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

mot-so-mo-hinh-nuoi-tom-the-chan-trang-hieu-qua-o-soc-trang Một số mô hình nuôi… mot-y-tuong-tuyet-voi-cho-van-chuyen-hai-san Một ý tưởng tuyệt vời…