Mô hình kinh tế Thu nhập cao từ mướp hương

Thu nhập cao từ mướp hương

Ngày đăng 26/08/2015

Cây trồng tiềm năng

Văn Phú là xã thuần nông của huyện Thường Tín. Với tổng diện tích đất tự nhiên 308,9ha, trong đó 69,5% là đất nông nghiệp, người dân nơi đây chủ yếu là trồng lúa và một số loại cây hoa màu. Lao động vất vả quanh năm nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao.

Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Văn Phú đã phát triển nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa các loại cây trồng rau, củ, quả an toàn trên diện tích đã quy hoạch để tăng thu nhập cho người dân. Theo đó, một số loại cây đã được đưa về đây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như su hào, bắp cải, xúp lơ vụ Đông, cây bầu vụ Xuân, cây mướp hương vụ Hè Thu. Ước tính, tổng thu nhập của các loại rau, củ, quả trên vùng trồng rau an toàn đạt từ 20 - 25 triệu đồng/sào/năm, trong đó riêng cây mướp hương chiếm hơn 50% tổng giá trị thu nhập.

Mướp hương được trồng từ trung tuần tháng 3 xen canh với cây bầu. Đầu tháng 5, khi hết vụ bầu cũng là lúc cây mướp cho thu hoạch quả và kéo dài đến hết tháng 10. Với những ưu điểm nổi bật so với các loại cây khác về thời gian thu hoạch và chất lượng nên được người dân rất ủng hộ mở rộng diện tích.

Chị Đào Thị Anh, thôn Yên Phú cho biết, trước đây gia đình chị chủ yếu cấy lúa. Sau khi chuyển đổi 5 sào ruộng từ cấy lúa sang trồng mướp hương thì hiệu quả kinh tế cao hơn gấp hàng chục lần: “Đầu mùa, mướp được bán với giá 25.000 đồng/kg, thời điểm rẻ nhất cũng được từ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Mỗi vụ, trừ chi phí, gia đình tôi cũng thu lãi khoảng 12 triệu đồng/sào”.

Xây dựng thương hiệu

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Văn Phú Nguyễn Thị Tuyết cho biết, việc đưa cây mướp hương vào trồng thực sự đã có bước chuyển biến và mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Hiện nay, tổng diện tích trồng mướp hương toàn xã là 3ha, cho thu nhập khá, góp phần nâng cao đời sống người dân. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mướp hương còn là cây nông sản sạch được trồng trong vùng quy hoạch rau an toàn, nên rất dễ tiêu thụ, giá cả luôn cao hơn mướp thường từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, việc trồng cây mướp hương của người dân xã Văn Phú chủ yếu vẫn mang tính tự phát, người dân tự tìm tòi khai thác kinh nghiệm trồng và tiêu thụ sản phẩm nên rất khó ổn định sản xuất mang tính bền vững. Hiện nay, chủ yếu người dân phải bán cho các lái buôn và một số bán nhỏ lẻ ngoài thị trường, chưa có DN nào đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm nên việc tiêu thụ và giá cả không ổn định.

Mong muốn lớn nhất của chính quyền và người trồng mướp hương Văn Phú hiện nay là sản phẩm của địa phương sớm được xây dựng nhãn hiệu, để có chỗ đứng ổn định trên thị trường, tránh tình trạng “được mùa rớt giá”. Đồng thời, được hỗ trợ về nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để người dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.


Có thể bạn quan tâm

xuat-khau-san-co-the-dat-1-5-ti-usd Xuất khẩu sắn có thể… gia-hat-tieu-giam-tren-30-ngan-dong-kg Giá hạt tiêu giảm trên…