Mô hình kinh tế Thu Nhập Cao Từ Trồng Đu Đủ Ở Hà Nội

Thu Nhập Cao Từ Trồng Đu Đủ Ở Hà Nội

Ngày đăng 02/10/2012

Được đưa vào trồng từ năm 2006, đến nay, đu đủ đã trở thành cây trồng chủ lực nhằm chuyển đổi cơ cấu, nâng cao hiệu quả canh tác của người dân xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Thời điểm này, người trồng đu đủ xã Dị Nậu bước vào mùa thu hoạch.

 
Trên các cánh đồng Đồng Nhồ, Ngoài Xa của xã, những ruộng đu đủ sai trĩu quả tấp nập thương lái đến thu mua. Vừa cắt đu đủ cho khách, chị Nguyễn Thị Hảo, thôn Tam Nông phấn khởi cho biết, gia đình chị trồng 3 sào đu đủ từ năm 2010. Mỗi sào trồng được 90 gốc, sản lượng bình quân 20 kg/cây. 
Với giá bán 9.000 - 10.000 đồng/kg đầu vụ và hiện giờ 6.000 - 6.500 đồng/kg, gia đình chị thu được 14 triệu đồng/sào từ trồng đu đủ, trừ chi phí giống, phân bón cho lãi 8 - 10 triệu đồng/sào/năm.Đu đủ là cây dễ trồng, thời vụ trồng vào đầu năm. 
Sau 4 tháng cây bắt đầu cho ra hoa và thời điểm thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 12. Chị Nguyễn Thị Vân, thôn Tam Nông chia sẻ: "Nhà có 5 sào ruộng, trong đó 3 sào trồng đu đủ. Bình quân mỗi năm thu nhập từ đu đủ đạt trên 30 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với cấy lúa". 
Theo chị Vân, trồng đu đủ chỉ cần lưu ý làm đất tơi xốp, vun gốc cao để thoát nước. Đặc biệt, đu đủ trồng trên đất lạ cho năng suất cao nên mỗi năm phải luân canh, xen canh cây trồng trên ruộng. Toàn xã Dị Nậu có 225 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng lúa 195ha. Từ năm 2006, xã đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. 
Ngay trong năm 2006, xã đã chuyển đổi được 5 ha sang trồng đu đủ và rau màu. Đến nay, diện tích trồng đu đủ toàn xã đã đạt 15 ha, tập trung tại các xứ đồng Đồng Nhồ, Ngoài Xa, Bờ Cua... Ông Nguyễn Duy Lực, Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp xã Dị Nậu cho biết, hai giống đu đủ chủ lực được trồng tại địa phương là Hồng Phi và Đài Loan. 
Qua thực tế triển khai sản xuất, cây đu đủ cho thu nhập cao gấp 6 - 7 lần cấy lúa, những diện tích đu đủ sớm, bán đầu vụ có thể cho thu nhập cao gấp 10 lần cấy lúa. UBND xã Dị Nậu đã đề ra mục tiêu đến năm 2015, toàn xã chuyển đổi thêm được 25 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và đu đủ. 
Theo ông Lực, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất giúp địa phương quy hoạch tổng thể đồng ruộng, hình thành các vùng chuyên canh rau, đu đủ, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi nội đồng. 
Tuy nhiên, hiện nay một số hộ dân chưa sẵn sàng chuyển đổi do tâm lý ngại thay đổi phương thức sản xuất. Chính vì vậy, trong thời gian tới, HTX Nông nghiệp xã Dị Nậu sẽ tích cực vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, chuyển đổi các mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập. 
Cùng với đó, UBND xã Dị Nậu cũng kiến nghị thành phố, huyện có chính sách hỗ trợ giống, vật tư, đầu tư hạ tầng sản xuất để khuyến khích người dân tham gia các mô hình chuyển đổi.


Có thể bạn quan tâm

nhan-rong-mo-hinh-trong-tieu-tren-cay-tru-song-o-ia-hru-gia-lai Nhân Rộng Mô Hình Trồng… trong-ot-tren-ruong-lua-thu-nhap-cao-o-ben-tre Trồng Ớt Trên Ruộng Lúa…