Mô hình kinh tế Thu nhập ổn định từ mô hình nuôi dê sinh sản

Thu nhập ổn định từ mô hình nuôi dê sinh sản

Tác giả Lê Đệ, ngày đăng 26/05/2022

Chị Ngọc khởi nghiệp nuôi từ 3 con dê (2 con mua từ nguồn vay Dự án Y tế Hà Lan hỗ trợ 9,455 triệu đồng và 1 con là vốn của gia đình). Đến nay, chị đã trả hết vốn vay của dự án và đang nuôi hơn 150 con dê trong 4 chuồng. Bên cạnh đó, thời gian rảnh, chị còn se chỉ xơ dừa thuê với thu nhập khoảng 300 ngàn đồng/ngày.

Tháng 10-2009, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thanh Tây giới thiệu chị Ngọc tham gia vào Tổ hợp tác Nuôi dê sinh sản xã Tân Thanh Tây (20 thành viên). Trước đây, chị làm thuê ở địa phương (giúp việc nhà), rồi nuôi thỏ và khởi nghiệp cùng công việc nuôi dê sinh sản. Phụ nữ vay vốn Dự án Y tế Hà Lan với hình thức trả vốn 6 tháng/lần là 2,3 triệu đồng và 2 năm sẽ hoàn tất. Chị Ngọc đã tham gia lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăn nuôi dê và được cấp chứng chỉ.

“Vào buổi sáng, cho dê ăn nếu có biểu hiện khác thường thì nhanh chóng thực hiện biện pháp đặc trị hiệu quả. Mùa này, bệnh ghẻ trên dê rất phổ biến. Người nuôi cần theo dõi để có hướng điều trị”, chị Ngọc chia sẻ. 

Trước kia, chị dùng xác bia hay đậu làm thức ăn chăn nuôi nhưng tìm hiểu kĩ càng thông tin trên mạng là có ảnh hưởng đến sức khỏe của dê, dễ gây bệnh viêm vú cho dê sinh sản. Bỏ hẳn xác bia, đậu và chuyển sang dùng duy nhất cỏ vôi xay cùng thức ăn chuyên dụng để cung cấp cho dê.

Chồng chị Ngọc ở nhà phụ trách công việc cắt và xay cỏ cho dê ăn hay dọn dẹp chuồng dê sạch sẽ. Ở đây, có phần khác là xây 1 chuồng nuôi chung chứ không phân ô ra theo từng con mà mọi người hay làm. Chuồng nuôi hơn 60 con cái và 1 con đực để phối giống thì sinh sản từ 2 - 3 con/lứa/con dê nái. “Mỗi ngày tôi dùng 1 bao thức ăn chuyên dụng phối hợp cùng cỏ cho dê nhanh lớn, 250 ngàn đồng/bao. Nuôi theo kiểu phân ra từng con một ô thì cùng diện tích chuồng chỉ được 6 con dê, còn nuôi chung một chuồng sẽ tận dụng được không gian (16 con/chuồng)”, chị Ngọc cho biết thêm.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thanh Tây Nguyễn Thị Luyện cho biết: Hộ chị Dương Kim Ngọc là một trong những gia đình tham gia Tổ hợp tác Nuôi dê sinh sản xã Tân Thanh Tây đạt được hiệu quả thiết thực từ Dự án Y tế của Hà Lan. Chị là nông dân giỏi và cần cù lao động. Khởi nghiệp nuôi dê sinh sản nhằm ổn định cuộc sống, không ngại khó hay sợ khổ, chịu khó học hỏi và có những cách làm hay, nhằm tạo sự thành công. Ở địa phương, chị Ngọc là tấm gương phụ nữ điển hình trong phát triển kinh tế gia đình để mọi người học hỏi.


Có thể bạn quan tâm

tin-hieu-mung-tu-mo-hinh-thi-diem-nuoi-trai-nuoc-ngot-lay-ngoc-tai-thanh-pho-ha-tinh Tín hiệu mừng từ mô… khoi-nghiep-bang-nuoi-luon-khong-bun Khởi nghiệp bằng nuôi lươn…