Mô hình kinh tế Thu Nhập Ổn Định Từ Nuôi Cá Ao

Thu Nhập Ổn Định Từ Nuôi Cá Ao

Ngày đăng 03/01/2015

Nuôi cá ao không phải là một nghề mới đối với người nông dân Đắk Nông, nếu biết áp dụng đúng kỹ thuật và lựa chọn đối tượng nuôi đáp ứng nhu cầu thị trường thì đây là một nghề rất ít rủi ro mà đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân.

Chúng tôi tới thăm gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Thuận Lơi, xã Thuận Hanh, huyện Đắk Song khi chị đang cho cá ăn.
Chị cho biết, gia đình chị đã nuôi cá được 6 năm, trước khi làm nghề này vợ chồng chị chỉ tập trung làm rẫy trồng cà phê. Tuy nghề này cho thu nhập cao nhưng cũng đòi hỏi đầu tư lớn, lại rất tốn nhân công. Nuôi cá ao chị có thể tận dụng được thời gian nhàn rỗi, vừa cho thu nhập cao vừa phù hợp với sức lao động của gia đình.
Qua tìm hiểu nhu cầu thị trường tại chợ Trung tâm huyện Đắk Song và chợ Trung tâm Gia Nghĩa chị thấy các loài cá truyền thống như chép, trắm cỏ, rô phi… có nhu cầu nhiều. Xác định được nhu cầu, vợ chồng chị Dung tận dụng vùng đất sình lầy bỏ hoang để đào ao thả cá trên diện tích 4.000 m2. Loài cá thả nuôi là trắm, chép, rô phi.
Được cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, với 4.000 m2 diện tích ao nuôi, chị nuôi ghép cá trắm, chép, rô phi và cá mè, trong đó cá trắm cỏ là chính. Mỗi lứa nuôi là chị thả cá giống gồm 100 kg cá trắm cỏ, 15 kg cá chép, 15 kg cá rô phi và 10 kg cá mè. Qua 9 tháng nuôi, cá lớn nhanh, trọng lượng trung bình đạt khoảng 1,7 kg/con cá trắm, 0,6 kg/con cá chép, 1,5 kg/con cá mè và 0,4 kg/con cá rô phi.
Với giá thị trường các lái buôn chợ huyện Đắk Song mua tại nhà là 50.000/kg cá chép, 45.000 đồng/kg cá trắm cỏ và 40.000 đồng/kg cá mè, cá rô phi. Tổng thu từ mô hình là 250 triệu đồng, trừ chi phí 60 triệu đồng (gồm: giống 20 triệu đồng; thức ăn: 30 triệu đồng; tiền công và chi phí khác 10 triệu đồng), gia đình chị Dung thu lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm.
Chia sẻ bí quyết thành công của mô hình, chị Dung cho biết: Khâu quan trọng nhất là phải xác định được các loài cá nuôi ghép phù hợp để không bị cạnh tranh thức ăn trong ao, chọn đối tượng nuôi chính phải chiếm 50% tổng đàn cá trong ao và xác định mật độ nuôi phù hợp với diện tích nuôi.
Tuân thủ đúng kỹ thuật, hàng năm sau mỗi lứa nuôi phải làm tốt công tác cải tạo ao nuôi. Sau khi thu hoạch, tháo cạn ao, phơi ao khoảng 1 tháng rồi rải vôi và bón phân hữu cơ hoai mục. Nguồn nước ao nuôi phải đảm bảo sạch, có nhiều phù du và có hệ thống cấp thoát nước.
Duy trì mức nước ổn định, ao nuôi bảo đảm luôn có màu lá chuối non. Trong quá trình nuôi, mỗi ngày cho cá ăn 2 lần (7 - 8 giờ và 16 - 17 giờ), điều chỉnh lượng thức ăn theo giai đoạn phát triển của cá, nhưng buổi sáng cho ăn nhiều hơn, vào buổi chiều, thức ăn chủ yếu là cám, bắp, khoai lang, sắn… Ngoài ra, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương và cắt cỏ cho cá ăn để giảm chi phí.
Đạt được thành công như hôm nay là nhờ trong những năm qua chị Dung luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản do Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông, Hội Nông dân và các ban ngành khác tổ chức. Có thể nói, mô hình nuôi cá ao của gia đình chị Dung là một mô hình sản xuất bền vững cho thu nhập ổn định nếu biết áp dụng đúng kỹ thuật vào sản xuất và lựa chọn đối tượng nuôi theo đúng nhu cầu thị trường.


Có thể bạn quan tâm

thi-xa-la-gi-binh-thuan-xu-ly-dut-diem-cac-truong-hop-dao-ao-nuoi-tom-trai-phep Thị Xã La Gi (Bình… tuyen-quang-tong-ket-mo-hinh-nuoi-ca-tam Tuyên Quang Tổng Kết Mô…