Mô hình kinh tế Thú Vị Hồ Tiêu Việt Nam

Thú Vị Hồ Tiêu Việt Nam

Ngày đăng 03/06/2014

Hồ tiêu là ngoại lệ thú vị so với những mặt hàng nông sản xuất khẩu khác khi giá luôn ở mức cao suốt 8 năm, đặc biệt là 3 năm gần đây.

Hồ tiêu Việt Nam chiếm 30% sản lượng và hơn 50% thị phần giao dịch toàn cầu, điều quan trọng hơn là vai trò và vị trí ngành hồ tiêu Việt Nam từng bước được nâng cao khi các nước bắt đầu lấy giá bán của Việt Nam để tham khảo. Mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu thế giới - IPC đề nghị chuyển trụ sở từ Indonesia, quốc gia có lượng hồ tiêu nhiều nhất trước đây, sang Việt Nam.

Chạm ngưỡng 1 tỷ USD

5 tháng đầu năm 2014, hồ tiêu vẫn là mặt hàng xuất khẩu có sự phát triển rất mạnh khi tăng 33,6% về lượng và 42,3% về giá trị với 92.000 tấn hồ tiêu xuất khẩu, kim ngạch đạt 645 triệu USD.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), với tiến độ này, cuối năm nay, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu sẽ vượt ngưỡng 1 tỷ USD với lượng xuất khoảng 125.000 - 130.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2013 gần 900 triệu USD.

Như vậy, ngành hàng “bé” như hạt tiêu có cơ hội tham gia vào câu lạc bộ nhóm hàng nông sản xuất khẩu 1 tỷ USD mà 10 năm trước ít ai nghĩ tới. Nhưng giờ đây, hồ tiêu Việt Nam đã chiếm tỷ trọng áp đảo với 30% lượng xuất khẩu và trên 50% thị phần giao dịch thế giới.

Vì vậy, VPA tự tin cho rằng, nếu các doanh nghiệp và nông dân đồng lòng thêm một bước nữa thì mặt hàng hồ tiêu Việt Nam sẽ đủ sức điều tiết giá cả thị trường thế giới. Bởi trong xuất khẩu, đây không phải là mặt hàng nông thủy sản duy nhất có sản lượng và giao dịch chiếm áp đảo, nhưng hồ tiêu lại là ngành hàng đầu tiên mà Việt Nam từng bước xác lập được vai trò và tầm ảnh hưởng trên thị trường giao dịch quốc tế.

Có thể nói, giai đoạn 2011 - 2014 là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam. Theo IPC, với sản xuất và thương mại hồ tiêu toàn cầu như hiện nay, có thể dự báo năm 2015 và đến năm 2020, hồ tiêu Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh với các nước cả về năng suất và giá thành, nhất là với Indonesia và Brazil, những quốc gia từng có sản lượng cao nhất thế giới trước khi Việt Nam nổi lên chiếm lĩnh.

Giám đốc điều hành IPC, ông Kannan, cho rằng, dù trong hoàn cảnh nào, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Điều đáng nói, 3 - 4 năm qua, tác động của suy thoái kinh tế tài chính thế giới khiến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản bị sa sút, không ít DN thua lỗ, nhưng ngành hàng hồ tiêu vẫn tăng trưởng mạnh, nhiều kỷ lục về lượng xuất, giá trị kim ngạch và giá bán liên tiếp xác lập qua từng năm.

Khẳng định vai trò

Từ việc chưa có chỗ đứng và thường bị các nhà đầu cơ chi phối giá cả, đến nay vị thế hồ tiêu Việt Nam ngày càng vững vàng trên thương trường quốc tế. Cộng đồng hồ tiêu thế giới nhìn Việt Nam với con mắt tôn trọng, lắng nghe và cùng chia sẻ.

Suốt những năm 1990, Singapore chiếm ưu thế trong giao dịch hồ tiêu với lượng nhập khẩu lớn, lên đến 44.000 tấn/năm, trong đó Indonesia là nguồn cung cấp chính với 50% lượng nhập của Singapore. Nhưng sau đó thương mại hồ tiêu Singapore đã sụt giảm mạnh, xuống còn 10.000 tấn năm 2010.

Theo VPA, mức giảm này chủ yếu là do nhà nhập khẩu đã mua hàng trực tiếp từ các nước sản xuất, nhất là Việt Nam. Hiện nay, thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vào châu Âu chiếm 34%, châu Á 36%, châu Mỹ 20% và châu Phi 10%.

Thời gian gần đây Singapore đã có sự thay đổi trong thương mại, nên lượng hồ tiêu nhập vào Singapore tăng trở lại, đạt 20.200 tấn năm 2013, nhưng nguồn cung chủ yếu đã chuyển qua Việt Nam, khi lượng hồ tiêu cung cấp cho Singapore chiếm đến 60%, Indonesia chỉ còn 28%.

Những nước hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu trước đây như Brazil, Indonesia đã và đang liên kết trong việc xuất nhập khẩu với Việt Nam lên đến hàng chục ngàn tấn/năm.

Giám đốc điều hành IPC, ông Kannan, cũng chính thức đề nghị chuyển trụ sở từ Indonesia sang Việt Nam bởi vị thế và vai trò của hồ tiêu Việt Nam ngày càng có nhiều ảnh hưởng trên thị trường quốc tế.

Sắp tới đây, Việt Nam sẽ là nước chủ nhà đăng cai Hội nghị quốc tế về hồ tiêu do IPC phối hợp với Bộ NN-PTNT tổ chức tại TPHCM. Điều đáng nói, chất lượng, chủng loại mặt hàng hồ tiêu ngày càng phong phú. Từ chỗ chủ yếu xuất khẩu tiêu đen, nay đã xuất khẩu thêm tiêu trắng, tiêu bột, tiêu gia vị thực phẩm tới bàn ăn người tiêu dùng các nước ở châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ… làm gia tăng giá trị sản phẩm, thu nhập và lợi nhuận ngày càng cao.

5 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản trên 12 tỷ USD

Theo Bộ NN-PTNT, các mặt hàng nông sản xuất khẩu 5 tháng qua tăng trưởng khá là cà phê, nhân điều và hồ tiêu. Trong đó, xuất khẩu 966.000 tấn cà phê với gần 2 tỷ USD kim ngạch, tăng 36,7% về khối lượng và 29% về giá trị so cùng kỳ năm 2013; hạt điều đạt 98.000 tấn với 618 triệu USD, tăng tương ứng 10,8% và 11,5% so với cùng kỳ.

Riêng xuất khẩu hồ tiêu, 5 tháng hơn 92.000 tấn với 645 triệu USD kim ngạch, tăng 33,6% về lượng và tăng 42,3% về giá trị. Các mặt hàng thủy sản cũng có bước tăng trưởng khá khi đạt 2,8 tỷ USD, tăng 25%; tương tự, các mặt hàng gỗ chế biến đạt 2,4 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, những mặt hàng nông sản chủ lực khác gặp khó khăn như: Lượng gạo xuất khẩu 5 tháng giảm 10,2% và 7,3% về giá trị so với cùng kỳ khi chỉ đạt 2,65 triệu tấn và 1,19 tỷ USD kim ngạch. Mặt hàng cao su xuất khẩu giảm 20,2% về lượng và 39,2% về giá trị với 239.000 tấn và 473 triệu USD kim ngạch. Khoai mì (sắn) và trà (chè) cũng suy giảm về lượng và giá xuất.

Như vậy, 5 tháng qua, tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông lâm và thủy sản đạt hơn 12 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2013.


Có thể bạn quan tâm

canh-bao-nuoi-tom-the-chan-trang-trong-vung-nuoc-ngot Cảnh Báo Nuôi Tôm Thẻ… 71-ha-cay-trong-vu-he-thu-bi-han 71 Ha Cây Trồng Vụ…