Mô hình kinh tế Thú Y Thủy Sản Thiếu Và Yếu

Thú Y Thủy Sản Thiếu Và Yếu

Ngày đăng 06/02/2015

Thủy sản trở thành ngành hàng quan trọng trong việc mang về ngoại tệ cho đất nước với gần 8 tỷ USD năm 2014, trong đó riêng con tôm nước lợ đã chiếm 50% tổng kim ngạch với 4 tỷ USD giá trị xuất khẩu, kế đến là cá tra, dù chưa hết khó khăn nhưng vẫn giữ vị trí số 2 với 1,8 tỷ USD. Hai mặt hàng này vẫn là thế mạnh của thủy sản Việt.

Con dao hai lưỡi

Vật nuôi trên bờ như gia súc (heo, trâu, bò…) tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh lở mồm long móng, heo tai xanh; với gia cầm thì dịch cúm gia cầm trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên với người nuôi và nhà quản lý từ cuối năm 2003 đến nay. Dù vậy, gia súc và gia cầm còn có thể chủ động tiêm phòng vaccine để ngăn ngừa. Với vật nuôi dưới nước như tôm, cá, nghêu… khi được nuôi quy mô lớn, tập trung, dịch bệnh cũng xuất hiện, nhưng rất khó phòng chống.

Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong các loài thủy sản, tôm nước lợ luôn gặp thiệt hại lớn nhất về dịch bệnh, diễn biến rất phức tạp và xảy ra trên diện rộng, chủ yếu là bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan tụy cấp và do ô nhiễm môi trường. Năm 2014, cả nước có trên 59.500ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại, chiếm 8,7% trong tổng số 680.800ha tôm, trong đó, bệnh đốm trắng 23.800ha, xuất hiện cả trên tôm nuôi thâm canh và quảng canh hay quảng canh cải tiến. Bệnh xảy ra cả trên tôm thẻ, nhưng thiệt hại nhiều nhất vẫn là tôm sú, với độ tuổi từ 10 - 110 ngày sau thả, chiếm 61,4% diện tích.

Bộ NN-PTNT nhận định, dịch bệnh đốm trắng năm 2014 phức tạp hơn 2 năm trước đó. Dù dịch bệnh xảy ra phạm vi hẹp hơn, chỉ bằng 93% số xã năm 2013 nhưng diện tích bị nhiễm lớn hơn, gấp 1,9 lần và nhiều hơn 2012 gấp 2,7 lần. Cả nước có 3 tỉnh công bố dịch là Nghệ An, Quảng Ninh nhưng Sóc Trăng là tỉnh bị nặng nhất, chiếm trên 45% tôm bị đốm trắng cả nước, kế đến là Cà Mau, Trà Vinh. Trong khi đó, bệnh hoại tử gan tụy cấp hay còn gọi hội chứng tôm chết sớm xảy ra tại 237 xã, ở 62 huyện thuộc 22 tỉnh với diện tích trên 5.500ha. So với năm 2013, phạm vi rộng hơn, gấp 1,2 lần, tập trung nhiều ở Bạc Liêu, Trà Vinh.

Dù bệnh hoại tử gan tụy cấp không biến động về diện tích, nhưng phạm vi xảy ra lại rộng hơn. Bước đầu đã khống chế nhờ xác định được tác nhân gây bệnh là vi khuẩn vibrio parahaemolyticus có mang gen gây độc, nên bước đầu xây dựng được các biện pháp phòng chống hiệu quả hơn. Tuy vậy, việc người nuôi lạm dụng kháng sinh là con dao hai lưỡi, đó là tình trạng kháng thuốc và tồn dư kháng sinh trong sản phẩm, dẫn đến tình trạng nhà nhập khẩu trả về do vượt ngưỡng cho phép về an toàn thực phẩm.

Củng cố hệ thống

Theo ngành NN-PTNT, bệnh đốm trắng tôm xảy ra trên phạm vi rộng và có chiều hướng tăng cao về diện tích; diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do môi trường tăng mạnh trong năm 2014, gấp 2 lần so 2013; các bệnh như đỏ thân, IHHNV cũng tăng. Cục Thú y cho rằng, do cơ sở nuôi xả nước thải thủy sản bị bệnh ra ngoài môi trường, không qua xử lý nên phát tán nguồn bệnh, làm mầm bệnh lưu hành lan qua các loài vật chủ trung gian; con giống cũng mang mầm bệnh và phát tán đi nhiều địa phương; trong khi việc xử lý vệ sinh thú y trước và trong quá trình nuôi chưa đảm bảo, nên dịch bệnh vẫn có thể phát sinh ra nhiều vùng nuôi tôm; trong đó, đáng kể nhất là mầm bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp lưu hành trên diện rộng từ những lý do này.

Nhận định dịch bệnh trên các loài thủy sản khác như cá tra, nghêu, tu hài, ốc hương, cá điêu hồng, cá lóc, cá rô, cá chép, cá chim, cá song, cá mú, cá trê, tai tượng, ếch… Bộ NN-PTNT cho rằng, do thiếu cơ sở dữ liệu để phân tích, so sánh và nhận định chính xác tình hình dịch bệnh trên các loài thủy sản khác, do vậy, Cục Thú y đang tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện việc ghi chép, báo cáo đúng quy định. Hầu hết chi cục thú y các tỉnh phía Nam đều cho rằng, trong khi cán bộ thú y phụ trách động vật trên bờ khá bài bản và có lực lượng thú y cộng tác viên giám sát khá tốt thì lực lượng thú y vật nuôi dưới nước lại khan hiếm.

Theo Chi cục Thú y Bạc Liêu, địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là con tôm, từ khi giao nhiệm vụ phòng bệnh thủy sản vào thú y, mỗi huyện chỉ có 1 cán bộ theo dõi thú y thủy sản. Do thiếu chuyên gia thủy sản môi trường, Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Bộ NN-PTNT xem xét khả năng nhờ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) hỗ trợ đào tạo chuyên gia về thủy sản môi trường, cũng như đề xuất Cục Thú y xem xét củng cố hệ thống thú y các tỉnh có vùng tôm trọng điểm để tăng cường kỹ thuật viên chuyên về thú y thủy sản.

Thú y thủy sản còn mới cả về nhân lực và vật lực, ngân sách thì thiếu. Cần tăng cường năng lực hệ thống thú y thủy sản vì đội ngũ xét nghiệm hiện yếu và thiếu.

Quan trắc cảnh báo môi trường; giám sát nhằm phát hiện sớm các biến động bất lợi của môi trường, các loại dịch bệnh quan trọng nhằm chủ động điều chỉnh, ngăn ngừa dịch bệnh. Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản như với cơ sở an toàn dịch bệnh vật nuôi trên bờ (heo, bò, gà); quản lý chặt việc sản xuất và kinh doanh giống thủy sản, giám sát môi trường vùng nuôi; hỗ trợ kinh phí cho thú y cơ sở để triển khai việc phòng chống, kể cả khi không công bố dịch… là những vấn đề đặt ra năm 2015 và những năm sau đó của ngành thú y thủy sản.


Có thể bạn quan tâm

ca-mau-thu-hoach-ca-boi Cà Mau Thu Hoạch Cá… thi-xa-tan-chau-an-giang-quan-tam-phat-trien-mo-hinh-nuoi-luon-thuong-pham Thị Xã Tân Châu (An…