Mô hình kinh tế Thừa Thiên Huế Nuôi Tôm Cao Triều Ở Quảng Công: 100% Hộ Nuôi Có Lãi

Thừa Thiên Huế Nuôi Tôm Cao Triều Ở Quảng Công: 100% Hộ Nuôi Có Lãi

Ngày đăng 07/11/2014

Trong khi nuôi tôm sú vẫn đang gặp nhiều khó khăn thì người nuôi tôm cao triều ở Quảng Công (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) nhiều năm qua liên tiếp “trúng lớn”.

Ông Dương Định, một hộ nuôi tôm, cho biết: Từ sau khi Nhà nước có quyết định giao diện tích nuôi trồng thủy sản cao triều thì năm nào các hộ nuôi cũng có lãi. Hiện nay tôi đang nuôi 2 hồ với diện tích 0,7 ha. Vụ vừa rồi thu được hơn 1 tấn tôm sú, với giá 200.000 đồng/1kg, trừ mọi chi phí lãi hơn 100 triệu đồng”.

Dự án nuôi tôm cao triều Quảng Công – Hải Dương được triển khai vào năm 2002 và đưa vào nuôi sau đó một năm. Một diện tích đất nông nghiệp lớn bị nhiễm mặn nặng được đầu tư, cải tạo thành hồ nuôi tôm. Lúc đó người dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng việc chuyển đổi này. Họ cho rằng bao đời nay vẫn sống cùng cây lúa thì nay chuyển sang một mô hình kinh tế mới, còn khá mới mẻ sẽ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt vấn đề lương thực luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu.

Năm 2003, những con giống đầu tiên được thả nuôi, biết bao hy vọng đổi đời từ con tôm được thắp lên. Tuy nhiên, do hồ nuôi còn quá mới, nhiễm các chất có hại, trạm bơm nước lợ lại vận hành yếu, cộng với việc bà con chưa có kinh nghiệm, kỹ thuật… nên người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn.

Năm 2008, UBND tỉnh có chủ trương đấu giá, giao hồ nuôi tôm lại cho người dân, vừa để người dân chủ động trong nuôi trồng, vừa tăng thêm việc làm ở nông thôn. Cùng với chủ trương này, Nhà nước cũng đầu tư thêm 1,2 tỷ đồng xây dựng một trạm bơm mới, cùng với nâng cấp hồ chứa nước trước khi đưa vào các hồ nuôi. Dự án IMOLA hỗ trợ thêm 1 trạm bơm nước ngọt nhỏ. Sự “đầu tư” này, đã giúp bà con chủ động hơn trong việc điều tiết lượng nước, độ mặn phù hợp.

Ông Lê Nguyên Sĩ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công cho biết: “Nhờ sự chủ động về thủy lợi, người dân đã quản lý tốt độ mặn, độ PH, điều tiết lượng nước trong hồ để con tôm phát triển tốt nhất. Xã đã thành lập BQL điều hành trạm bơm, 4 tổ tự quản, hỗ trợ người dân trong việc bảo vệ và nuôi trồng thủy sản. Xã cũng tiến hành các mô hình thí điểm để lựa chọn giống, quy trình kỹ thuật hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, hằng năm huyện và tỉnh đều mở các lớp tập huấn để nâng cao kỹ thuật nuôi trồng cho bà con”.

Hiện nay, khu nuôi tôm cao triều Quảng Công có 26,7 ha được chia thành 40 hồ, với 34 hộ tham gia. Một năm thả nuôi hai vụ, trong đó vụ chính thả chuyên tôm, bắt đầu từ giữa tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Vụ phụ nuôi cua, cá và ươm cá giống, bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 3 năm sau.

Ông Sĩ vui mừng: “Những năm trở lại đây, năm nào người nuôi tôm cao triều cũng có lãi, năm sau cao hơn năm trước, riêng vụ tôm năm 2014 đạt sản lượng 150 tấn, tăng 50 tấn so với năm trước, 100% hộ nuôi đều có lãi từ 40 - 120 triệu đồng. Thời gian đến, địa phương sẽ thúc đẩy nuôi thâm canh, hướng đến mô hình nuôi công nghiệp kết hợp với các dịch vụ khác để tạo ra một chu kỳ khép kín, nâng cao năng suất”.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền cho biết: “Định hướng của huyện những năm tới sẽ tiếp tục đầu tư trọng điểm cho mô hình nuôi tôm cao triều ở Quảng Công phát triển có hiệu quả lâu dài. Phòng NN & PTNT huyện đang đề xuất đầu tư thêm hệ thống điện để phục vụ khâu chăm sóc, kỹ thuật cho bà con. Bên cạnh đó cũng kiến nghị với các cấp trên cần hỗ trợ tốt hơn về con giống, vì hiện nay trong tỉnh chưa chủ động về nguồn giống tôm”.


Có thể bạn quan tâm

can-than-trong-trong-viec-nuoi-trong-thuy-san-vu-dong Cần Thận Trọng Trong Việc… thu-nghiem-thanh-cong-thiet-bi-cau-ca-ngu-dai-duong-made-in-binh-dinh Thử Nghiệm Thành Công Thiết…