Thức ăn nuôi cá biển Địa Trung Hải
Là một trong những khu vực nuôi cá tráp, cá chẽm phát triển nhất thế giới, Địa Trung Hải cũng phải trải qua một chặng đường dài với nhiều thử thách trong công cuộc tìm kiếm nguồn thức ăn thủy sản bền vững.
Nghề nuôi cá biển, chủ yếu là cá tráp, cá chẽm xuất hiện tự phát vào đầu những năm 1980 tại Địa Trung Hải với những kiến thức về dinh dưỡng cho cá còn rất hạn chế. Thời gian đó, người nuôi chỉ sử dụng các loại thức ăn viên ép lạnh chứa hàm lượng nhỏ bột mỳ, bột cá, dầu cá, đậu nành, bột thịt hoặc nhiều loại dầu thực vật khác. Thành phần protein trong thức ăn đều có nguồn gốc từ cá biển và động vật cạn, với tỷ lệ trên 50% trong khi hàm lượng chất béo rất thấp dưới 12%. Sau này, công nghệ ép viên dùng hơi thay thế ép lạnh và tới giữa những năm 1990 công nghệ ép đùn xuất hiện đã đưa ngành thức ăn cho cá biển tại Địa Trung Hải bước sang trang mới.
Thay thế bột cá, dầu cá
Công nghệ ép đùn đã mở ra cuộc cách mạng trong ngành chế biến thức ăn thủy sản tại Địa Trung Hải, giúp các hãng sản xuất linh hoạt hơn trong việc tạo công thức thức ăn đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng nuôi. Từ đó, các hãng thức ăn mới tính đến việc thay thế bột cá dầu cá bằng nguồn dinh dưỡng bền vững hơn và coi đây là nhiệm vụ hàng đầu.
Năm 2000, EU cấm sử dụng bột thịt, bột huyết có nguồn gốc từ các loại động vật sống trên cạn làm thức ăn thủy sản. Lệnh cấm này đã thúc đẩy các hãng thức ăn cho cá biển tại Địa Trung Hải phải tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế bột cá, dầu cá. Theo các chuyên gia dinh dưỡng tại đây, khả năng thích nghi của cá tráp và cá chẽm với nguồn thức ăn thực vật tương đối cao, nhưng vẫn không bằng cá nước ngọt và cá nước lạnh như cá hồi. Trong khi, ngành công nghiệp cá tráp, cá chẽm ở vùng Địa Trung Hải đang tăng trưởng nhanh, từ mức sản lượng vài tấn vào đầu những năm 80 lên 300.000 tấn như hiện nay. Diện tích nuôi được mở rộng nhưng đã kéo theo vô số vấn đề dịch bệnh. Người nuôi tại đây bắt đầu gia tăng sử dụng phụ gia và premixe để bảo vệ sức khỏe cá, tăng cường miễn dịch, ngăn chặn mầm bệnh, các yếu tố gây stress cũng như tăng tính thèm ăn và khả năng tiêu hóa cho vật nuôi.
Sự phát triển của ngành thức ăn cho cá tráp, cá chẽm tại Địa Trung Hải tương tự các loài cá biển khác; đó là cần hàm lượng protein và nhu cầu năng lượng tương đối cao. Do đó, các nguyên liệu chế biến thức ăn với hàm lượng protein cao và bền vững vẫn đang được chuyên gia dinh dưỡng tìm kiếm. Hiện, các hãng chế biến thức ăn cho cá biển tại vùng Địa Trung Hải đã chế tạo thành công protein có nguồn gốc thực vật hầu như không chứa thành phần kháng dinh dưỡng. Ngoài ra, nhiều sản phẩm phụ động vật cũng được tận dụng làm nguồn nguyên liệu thức ăn, với công dụng không thua kém bột cá, cũng có khả năng làm tăng tính thèm ăn của vật nuôi và cải thiện tiêu hóa. Nhờ đó, thức ăn cho cá tráp, cá chẽm cũng không cần sử dụng nhiều bột cá và chứa nhiều thành phần protein bền vững hơn, nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng thiết yếu cho vật nuôi. Những loại nguyên liệu mới đã được tận dụng vào ngành thức ăn cá biển tại Địa Trung Hải gồm protein từ vi khuẩn, chiết xuất tảo biển, bột côn trùng…
Nếu so sánh với bột cá, việc tìm ra nguồn thay thế dầu cá lại khó khăn hơn rất nhiều. Hàm lượng axit béo Omega-3 rất cao trong dầu cá hiếm có thể được tìm thấy ở một loại nguyên liệu thay thế khác. Các chuyên gia dinh dưỡng đã tính đến việc sử dụng chiết xuất tảo biển để thay thế; tuy nhiên, việc thay thế hoàn toàn dầu cá bằng tảo vẫn là thách thức rất lớn với ngành dinh dưỡng cá biển (loài cá đòi hỏi nhu cầu năng lượng và protein cao hơn hẳn các loài cá khác).
Không tách rời thức ăn và quản lý
Dịch bệnh và các yếu tố gây stress đang là một trong những thách thức lớn với nghề nuôi cá biển tại Địa Trung Hải. Có nhiều nguyên nhân khiến cá biển dễ bị stress như các tác nhân vật lý (quá trình phân loại, vận chuyển, tiêm vaccine); tác nhân môi trường (nhiệt độ, ôxy, CO2, pH, mật độ thả, chế độ dinh dưỡng, ánh sáng và hệ vi sinh vật…). Công cụ hiệu quả để khắc phục những yếu tố stress như tiêm vaccine trên cá hồi lại khó áp dụng cho cá biển do sự hạn chế về nguồn và công nghệ tiêm vaccine. Do đó, để loại bỏ những tác động tiêu cực trong nuôi cá biển như kể trên, người nuôi cá tại Địa Trung Hải phải nhờ tới các loại thức ăn chức năng.
Để cá tăng trưởng tốt và hệ miễn dịch được cải thiện, các loại thức ăn chức năng tập trung vào mục tiêu cải thiện miễn dịch và trao đổi chất bằng nguồn dưỡng chất tổng hợp gồm các thành phần nguyên liệu mang hoạt tính. Các nguyên liệu dạng này có thể hỗ trợ tối ưu toàn bộ hệ thống miễn dịch của cá biển. Với cá tráp, cá chẽm Địa Trung Hải, nhiệt độ nước cao, lượng ôxy hạn chế và áp lực dịch bệnh đã làm tăng tỷ lệ cá chết và kìm hãm phát triển. Bởi vậy, việc đánh giá và ứng dụng các thành phần mang hoạt tính vào chế biến thức ăn chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các loại cá này chống lại nhiều yếu tố gây stress.
Bên cạnh đó, các trại nuôi cũng nỗ lực đào tạo nhân viên, đặc biệt là những nhân viên phụ trách việc cho cá ăn và tăng cường quản lý việc cho ăn bằng cách sử dụng hiệu quả dữ liệu sản xuất và điều chỉnh kế hoạch cho cá ăn mỗi ngày theo tập tính của từng loại cá, sự thay đổi môi trường và đặc tính dinh dưỡng của từng loại thức ăn. Người nuôi cá cũng hợp tác chặt chẽ với các công ty chế biến thức ăn để đôi bên cùng có lợi, đây chính là yếu tố đảm bảo tương lai bền vững cho ngành nuôi cá biển.
>> Hiện nay, các trại nuôi cá biển tại Địa Trung Hải cần 1,5 - 2,2 kg thức ăn để sản xuất 1 kg cá tráp cỡ 400 g và đặt mục tiêu hạ thấp tỷ lệ này gần hoặc thấp hơn mức 1,5 để đảm bảo ngành cá biển duy trì được lợi nhuận kinh tế và thân thiện môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ