Thúc đẩy phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững
Sản lượng hồ tiêu cả nước năm 2017 đạt 243 nghìn tấn, xuất khẩu 214 nghìn tấn (chiếm trên 80% sản lượng) và đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,1 tỷ USD.
Nông dân trồng hồ tiêu chia sẻ kinh nghiệm
Hồ tiêu là một trong mười nhóm nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, góp phần quan trọng vào thành tích 36,37 tỷ USD xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2017, cao nhất từ trước đến nay.
Ngay từ những ngày đầu năm 2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị "Thúc đẩy phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững". Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh trồng tiêu chủ lực vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, một số đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hồ tiêu.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, sản lượng tiêu 2017 tăng 24,8% so với 2016, chiếm gần 50% sản lượng tiêu thế giới, năng suất trung bình khoảng 26 tạ/ha cao gấp 2,5 lần so với năng suất tiêu thế giới. Một số địa phương có năng suất tiêu rất cao như tỉnh Gia Lai đạt 40,4 tạ/ha, Đăk Lăk 29,7 tạ/ha, Bình Phước 28,6 tạ/ha…
Năm 2016 giá tiêu tăng rất cao nên diện tích trồng tiêu vượt xa quy hoạch của các địa phương, kể cả ngoài vùng quy hoạch, vùng không thuận lợi cho cây tiêu, vùng nông dân chưa có kinh nghiệm và kiến thức về thâm canh tiêu nên gây ra những hệ lụy như sâu bệnh hại bùng phát, chất lượng tiêu giảm, đặc biệt vấn đề về an toàn thực phẩm ở một số vùng trồng.
Đại diện các doanh nghiệp kinh doanh tiêu, lãnh đạo Cty Phúc Thịnh cho rằng, để phát triển tiêu bền vững cần phải tuân thủ triệt để quy trình sản xuất để bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu, đồng thời tăng cường khâu chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường hạn chế rủi ro khâu tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương cần có các giải pháp đồng bộ cho phát triển hồ tiêu bền vững, kể cả khâu quy hoạch, kỹ thuật canh tác, công tác bảo vệ thực vật, sau thu hoạch và xúc tiến thị trường...
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá tiêu là loại cây trồng phát triển nóng, trong 7 - 8 năm mà diện tích tăng gấp 3 lần, trồng tiêu bằng mọi giá thiếu cơ sở khoa học, tỷ trọng xuất khẩu lớn nhưng thiếu chủ động về thị trường nên cần phải tái cơ cấu mạnh mẽ ngành hàng hồ tiêu. Một số giải pháp cơ bản được Bộ trưởng yêu cầu cần nhanh chóng hành động để thúc đẩy tái cơ cấu là:
- Trong thời gian tới, chỉ đạo không tăng về diện tích tiêu, thậm chí có thể giảm diện tích ở những vùng không có lợi thế, vùng bị bệnh hại nặng để chuyển sang cây trồng khác bằng việc tuyên truyền, thuyết phục dân, có chính sách cơ chế cho nông dân.
- Tập trung công tác quản lý nhà nước về khâu giống tiêu như công nhận giống và nhân giống, vườn giống tiêu để nhân giống chất lượng tốt cho sản xuất, tổng kết quy trình canh tác thích hợp cho từng tiểu vùng sinh thái, tăng cường công tác quản lý chất lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.
- Xây dựng liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất tiêu, nâng cao vai trò của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam trong xây dựng, phát triển chuỗi giá trị tiêu.
- Tăng cường sự vào cuộc của chính quyền địa phương ở các khía cạnh, từ quy hoạch đến sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm, chính sách khuyến khích phát triển…
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ