Mô hình kinh tế Thuê Nông Dân Nuôi Đặc Sản

Thuê Nông Dân Nuôi Đặc Sản

Ngày đăng 22/05/2013

Công ty TNHH một thành viên Phúc Toàn Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán, Đồng Nai) được thành lập từ tháng 8/2012. Hiện, doanh nghiệp đang đầu tư cho hàng chục nông dân ở xã Phú Hòa tham gia mô hình chăn nuôi cá - ếch - rắn, mang lại thu nhập cao.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn tổ chức nghề đan lát, giải quyết việc làm cho trên 300 lao động tại địa phương.

* Tự đi chợ...

Anh Trần Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên và là người sáng lập công ty, chia sẻ: “Số lao động nông thôn trên 40 tuổi khá nhiều và nếu biết khai thác thì đây là nguồn lực lao động rất lớn. Những hộ nông dân có đất sản xuất với quy mô nhỏ lẻ thì đang cần một mô hình kinh tế phù hợp và hiệu quả”.

Theo ông Dũng, hiện nay, chăn nuôi heo, gà phải được đầu tư theo hướng công nghiệp với quy mô lớn thì mới cạnh tranh được trên thị trường, đa số nông dân không đủ sức. Phúc Toàn Đức ra đời chính là từ ý tưởng giải quyết được vấn đề lao động nông thôn.

Anh Dũng từng nhiều năm tham gia đào tạo, tổ chức chương trình dạy nghề nông thôn với thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng nhưng vẫn quyết định xin nghỉ việc về mở doanh nghiệp riêng. “Đi đâu tôi cũng giới thiệu mình đang về quê đi bán rau, bán cá” - anh Dũng đùa. Có giai đoạn, công ty của anh tổ chức mua cá đồng, rau lang… cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng trên thành phố và vẫn thường xuyên tự đi chợ để xem người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm nào.

* Đầu tư cho đặc sản

Khi nghiên cứu kỹ về thị trường và thấy được đầu ra cho sản phẩm, anh Dũng triển khai mô hình chăn nuôi ếch, cá, rắn cho nông dân Định Quán. Sau gần 4 năm thử nghiệm, hiện xã Phú Hòa có hàng chục hộ nông dân tham gia chăn nuôi theo mô hình khép kín cá - ếch - rắn. Chất thải từ ếch là thức ăn cho cá, ếch lại là nguồn thức ăn cho rắn nên tiết kiệm được chi phí đầu tư, chăn nuôi. Do ký kết được những hợp đồng bao tiêu sản phẩm trước với các đơn vị, doanh nghiệp lớn nên anh mạnh dạn đầu tư, bao tiêu cho nông dân từ khâu sản xuất giống đến thu mua sản phẩm.

Theo anh Dũng, nhu cầu thị trường về các sản phẩm ếch, rắn rất lớn, giá lại cao. Cụ thể, doanh nghiệp đang mua rắn từ nông dân với giá là 600 ngàn đồng/kg; loại nặng trên 3kg là 900 ngàn đồng/kg. Giá rắn giống hiện đạt 250 ngàn đồng/con. Sản phẩm ếch cũng được thu mua với giá cao hơn mặt bằng chung của thị trường vì đây là giống lai ếch đồng.

Hiện nay, trung bình doanh nghiệp đang cung cấp 30 tấn ếch/ngày cho chợ đầu mối Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh). Chỉ riêng tại huyện Định Quán đã có hàng chục hộ nông dân tham gia nuôi theo mô hình này. Ông Nguyễn Chí Tâm, một hộ nông dân tại xã Phú Hòa cho biết, ông tham gia mô hình chăn nuôi cá - ếch - rắn khoảng 4 năm nay. Hiện trung bình ông xuất cả chục ngàn ếch giống mỗi tháng và đã nuôi được khoảng 300 con rắn bố, mẹ. Với diện tích đất nuôi khoảng 700m2, lợi nhuận bình quân hàng năm của ông đạt trên 100 triệu đồng.

Anh Dũng chia sẻ: “Mục tiêu của tôi là doanh nghiệp sẽ cùng với nông dân làm giàu”. Phúc Toàn Đức đang chuẩn bị ký kết cung cấp sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp với sản lượng lớn nên hiện nay, anh Dũng đang tích cực mở rộng mô hình này tại huyện Tân Phú.


Có thể bạn quan tâm

phat-trien-nuoi-thuy-san-long-be-o-kien-hai-kien-giang Phát Triển Nuôi Thuỷ Sản… nghe-chan-nuoi-heo-can-ho-tro-o-dong-thap Nghề Chăn Nuôi Heo Cần…