Mô hình kinh tế Thung Lũng Trong Mơ

Thung Lũng Trong Mơ

Ngày đăng 04/10/2014

Ở nơi đó đàn hươu sao nhởn nhơ nô đùa cùng lũ bướm, thi thoảng lại sải vó chạy vụt biến vào một lùm lau hay một khe dốc.

Ở nơi đó túp lều tranh được dựng lên để hai trái tim hòa chung một nhịp…

Ký ức “người rừng”

Mưa xiên móc trắng nhờ nhờ khắp triền thung. Lũ hươu đang nằm dài trên bãi cỏ nghe tiếng “lộc lộc” của chủ nhân cả đàn nghển cổ, co giò chạy lại, ngoan như những chú dê con. Mùa xuân cây cối nảy lộc hươu cũng mọc nhung nên người nuôi thường kêu chúng là “lộc, lộc”.

Thấm thoắt đã hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày Trịnh Văn Đàm lưng đeo ba lô tay vạch cỏ lau lần theo vết con don, con dúi vào khai phá thung Hiên (Đông Sơn, TX Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình).

Thung rậm. Trên đất bụi lau to như gian nhà, người đi cách người chỉ dăm mét đã không còn thấy bóng. Dưới hồ ken dày cỏ củi nấu đến trâu bò đứng lên cũng chỉ trùng trình. Chuyện vỡ hoang là cả một kỳ tích nhất là chỉ với đôi bàn tay, sức vóc con người.

Anh dựng một túp lều tranh, vách thưng bằng lau, cột kèo buộc bằng dây rừng, thấp lè tè người vào còn phải cúi. Chưa đào được giếng nên phải múc nước trong hang để ăn. Gáo nước trong vắt như mắt mèo rờn rợn toàn vị đá vôi.

Lưỡi cuốc chim bổ xuống gốc lau trong thung bật ngược lại như va vào đá. Tay tơ tướp máu! Đành bỏ cuốc chuyển sang đốt, mùa mưa sau gốc lau mục thì đào lên dúi xuống dăm ba đoạn thân sắn. Sẵn củ sắn anh mua tám con lợn về nuôi. Chẳng có tiền dựng chuồng, lợn ngủ cả trong hang đá như tổ tiên chúng thời chưa được thuần hóa.

Bán lợn, chẳng có đường vào nên thương lái bảo phải khiêng lợn ra ngoài mới chịu mua. Qua cái eo hẹp dài mấy trăm mét ở đầu thung, người khiêng không thể trở vai được cũng không thể đặt xuống mà nghỉ vì toàn đá nhọn.

Khiêng vài cây số mới ra được chỗ có đường để bán. Lãi của lứa lợn đầu tiên anh mua một con trâu vỡ đất thay cho người.

Rảnh một chút liền nghĩ tới việc phát củi nấu dưới hồ. Năm này qua năm khác đám cỏ ken dày tầng tầng, lớp lớp, dao phát cật lực cả ngày có khi chỉ được một vài mét vuông. Mất ba năm thì mặt hồ mới tạm thả cá được và mười năm thì thung mới sạch bóng loài cỏ hại kia.

Quần quật hết trên núi rồi lại dưới hồ anh chẳng có thời gian để ý đến hình dáng. Tóc cứ dài ra thì buộc túm lại bằng dây rừng. Cái tên “người rừng” gắn vào đời anh là vì thế.

Chế ngự tự nhiên

Nuôi gà thì cú diều bắt. Nuôi dê thì báo, trăn mò đến ăn. Trồng sắn thì don trên núi tràn xuống phá. Trồng đào thì vách núi chắn ánh sáng khiến cho cành cứ ngỏng như que tăm. Tất cả không làm đôi vợ chồng trẻ sờn chí.

Ngày ngày lùa dê lên núi, một túi muối được treo ở cửa chuồng sẽ khiến chúng nhớ đường mà về. Khi đàn dê đến cả trăm con thì xảy ra chuyện. Lũ dê con đông đúc được nhốt chung vào một chuồng. Một buổi mưa to, cả đàn ướt như lột, rúc vào nhau ủ ấm nên bị lẫn mùi. Dê mẹ be be mãi vào không tìm thấy con đành lê bầu sữa căng cứng chui ra.

Sớm hôm sau mấy chục con dê con chết và gần chết. Vội chặt cây, bứt dây làm chuồng cho từng con một rồi tỉ mẩn vắt sữa dê mẹ xoa vào dê con để chúng quen mùi.

Từ đó, dê mẹ vào chuồng ngửi ngửi phân dê con, nhận ra mùi sữa của mình là điềm nhiên cho bú tiếp. Làm chuồng cho dê con này ưu việt hơn hẳn kiểu thả hoang nên người nuôi nhiều nơi tìm đến thung để học tập kinh nghiệm.

Bán một phần đàn dê, anh chị mở đường qua eo núi cho ô tô bon bon chạy vào tận trong thung. Sau một lượt tham quan cách nuôi hươu ở Nghệ An, ở huyện Nho Quan (Ninh Bình) anh mang về mua hơn chục con giống.

Cách nuôi hươu của “người rừng” rất khác thường, không nhốt trong chuồng mà thả hoang. Lúc mới thả vào môi trường mới lũ hươu lò dò ra thung. Thế rồi một con co cẳng chạy, cả đàn sải bước theo sau. Chạy hùng hục như phát cuồng. Chạy hồng hộc đến độ dãi bên mép xùi trắng như bọt xà phòng, mồm mũi thi nhau thở dốc.

Trông thấy cảnh ấy vợ anh bật khóc vì tưởng hươu chết đến nơi nhưng anh chỉ nghĩ lũ hươu đang bị nhốt khi thả ra môi trường tự nhiên nên sốc vì hoảng loạn.

Chiều đó, anh rắc ngô nhử chúng về chuồng. Sớm sau lại rắc ngô từ chuồng ra thung để chúng mải ăn không giật mình khi ra chỗ rợn ngợp. Hết ngô, lũ hươu tìm đến những loại cỏ, cây trên rừng. Thử nghiệm thành công việc thả hoang hươu anh tiếp tục thử cho chúng đẻ hoang.

Buổi đó, mưa xuân rơi kín thung nhưng cái buốt vẫn khiến cá dưới hồ chết nổi trắng. Con hươu mẹ trốn vào búi cỏ gianh nằm ổ đẻ để tuần sau một chú hươu nhỏ đẹp như tranh chập chững chạy theo.

Đã năm chú hươu con được sinh ra ở thung lũng này. Hươu thích đầm hồ hơn mọi loài khác, kể cả trời rét chúng vẫn tắm lội ùm ùm. Bốn phía quanh thung là núi đá cao che chắn, chỉ có một cửa ngõ để ra thế giới bên ngoài được rào lại bằng cổng sắt.

Năm thứ nhất nhung thường chỉ nặng một lạng nhưng những năm sau cho hai, ba, bốn, thậm chí đến năm lạng. Cứ theo thời giá mỗi lạng nhung 2 triệu là người nuôi đã thắng lớn rồi nhưng anh bảo giả sử giá bán có hạ đi chăng nữa vẫn còn cách bán thịt thương phẩm.

Một bận mấy người bắt ốc núi đi qua đãng trí quên cài then cửa nên có hai con hươu động hớn nhảy ra ngoài. Huy động cả xóm đuổi theo nhưng chỉ bắt được một con, con còn lại đã thành hươu hoang thực sự.

Tháng mười, tháng mười một, đám lông cũ màu xám trút đi thay thế bằng lớp lông sao vàng óng. Đó cũng là lúc hươu đực bật nắp sừng mọc nhung mới.

Thịt hươu nuôi hoang ngọt lừ, không hôi mà chỉ cần bán 150.000đ/kg hơi đã có lãi. Đó mới thực sự là hướng đi vững bền.

Một thiên tình sử

Chuyện tình của “người rừng” lâm li không kém gì tiểu thuyết. Yêu nhau từ hồi ở quê nhưng đến khi anh thành “người rừng” thì nhà gái ai cũng phản đối. Họ sợ thân gái mười hai bến nước đục trong nào ở chốn miền rừng?

Họ sợ sức khỏe con mình yếu mà ở nơi sương lam chướng khí không biết có giữ nổi tính mạng. Phản đối gay gắt nhưng vẫn không thể ngăn cản chị đến với anh.

Chị nén một tiếng thở dài khi thấy cái lều tranh thấp lè tè trong thung lũng đầy gió. Anh cảm nhận được điều đó nên một buổi lẳng lặng vác búa lên núi đập đá về tự xây nhà. Đá rất sẵn, vôi vác chuyền vào từng bao nhưng đến màn đội cát thì đành chào thua vì quá nặng.

Vậy là cứ trộn vôi với đất làm vữa để xây. Bốn lần xây, bốn lần đổ cuối cùng một liếp nhà cũng được dựng lên dù chỉ bé như cái chuồng trâu. Ngôi nhà có mái ngói đỏ.

Chuyện gà vịt, cá mú, hươu dê chán chê tôi hỏi sang chuyện người. Chị cười: “Hai mươi năm sống với chồng chúng tôi chẳng bao giờ có chuyện to tiếng”. Anh cười kể về chuyện xưa chưa có đường, mỗi dịp con ốm là mỗi lần cõng qua eo núi.

Họ có ba người con. Suốt những năm chúng đến trường phổ thông là anh xách cặp cho chúng mỗi khi lên dốc, là anh cõng chúng mỗi khi gặp bùn lầy, là anh ra suối rửa sạch ba đôi dép để khỏi làm bẩn nền đá hoa ở lớp.

Suốt những năm ấy, cha con anh chỉ vào lớp muộn đúng một lần. Lần đó mưa to, sóng gió nổi lên ầm ầm trong hồ khiến người cha sợ lật thuyền không dám mạo hiểm. Lần đó đám con anh khóc sụt, khóc sùi vì tiếc hai tiết học.


Có thể bạn quan tâm

lam-ro-thong-tin-braxin-tam-ngung-nhap-khau-thuy-san-viet-nam Làm Rõ Thông Tin Braxin… hat-giong-cp-viet-nam-tri-an-nong-dan Hạt Giống CP Việt Nam…