Thương hiệu bún sạch cho quê hương
Tốt nghiệp đại học, cao đẳng, ba chàng trai làng bún Linh Chiểu, xã Triệu Sơn (Triệu Phong, Quảng Trị) khởi nghiệp làm bún trên chính quê hương mình.
Nguyễn Hữu Vinh tại xưởng sản xuất bún sạch - Ảnh: TẤN LỰC
Từ truyền thống làng nghề, họ đưa công nghệ hiện đại vào quá trình làm ra sợi bún sạch, ngon và áp dụng kiến thức truyền thông, tiếp thị để nâng tầm sản phẩm.
Thương hiệu cho làng nghề
Cánh đồng lúa dọc con đường nhựa nhỏ dẫn vào làng Linh Chiểu đang vào độ chín, những bông lúa vàng nặng trĩu thơm ngào ngạt chạy xa tít tắp. Từ những nhà dân hai bên đường, thứ mùi men chua đặc trưng của các lò bún quê phả ra khó lẫn vào đâu được. Rẽ vào con đường bêtông nhỏ, xưởng sản xuất bún sạch Vạn Linh nằm khiêm tốn trong khuôn viên một nhà dân.
Nguyễn Hữu Vinh (27 tuổi), một trong ba thành viên xưởng sản xuất, tự hào đưa khách tham quan một vòng nơi làm ra sợi bún sạch. Nhà xưởng rộng chừng 80m2, chia hai thành khu ngâm lọc và ép bún được nhóm thuê từ lò bún cũ của chủ nhà và cải tạo lại.
Toàn bộ nền nhà và tường được đóng gạch men trắng tinh luôn giội rửa sạch sẽ, những chiếc máy tách nước, xay bột, ép bún mới sáng màu inox được lau chùi tạm nằm chờ sau mẻ bún buổi sáng. Vinh bảo nghề làm bún đến với anh như cái duyên bởi trước đó anh và gia đình chưa bao giờ nghĩ đi học đại học để rồi lại về quê làm bún.
Vinh tốt nghiệp ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, hai bạn còn lại là Nguyễn Đăng Tuấn Cảnh (26 tuổi) tốt nghiệp ĐH Kinh tế - ĐH Huế và Nguyễn Phước Ánh (26 tuổi) tốt nghiệp CĐ Kinh tế - kế hoạch Đà Nẵng.
Vinh nói làng Linh Chiểu hơn 100 năm làm bún sạch, được tỉnh Quảng Trị công nhận làng nghề truyền thống nhưng các hộ đều sản xuất nhỏ lẻ, làm bún trơn (không thương hiệu - PV) nên đưa ra thị trường không phân biệt được với các nơi khác.
Giữa cơn bão tẩy chay bún bẩn, bún chứa hàn the, chất tẩy trắng công nghiệp cách đây chưa lâu, bún Linh Chiểu chịu tiếng oan rơi vào vòng xoáy. Nhìn cảnh bà con phải đổ bỏ bún vì không bán được, cả ba thấy xót xa và bắt đầu nung nấu ý tưởng xây dựng thương hiệu cho làng nghề.
Tiêu chí của nhóm khi bắt tay sản xuất là cung cấp cho người dân thứ bún làm từ gạo nguyên chất, không hàn the, không chất bảo quản, không chất tẩy trắng.
“Mất hơn một năm chuẩn bị kế hoạch và tìm vốn, đến tháng 5-2016 bọn mình mới cho ra mẻ bún đầu tiên. Từ dạo đó bọn mình tăng cường tiếp thị tại các buổi chợ và người tiêu dùng dần biết tới thương hiệu bún sạch Vạn Linh” - Vinh tâm sự.
9 tạ bún mỗi ngày
Hiện mỗi ngày xưởng bún sạch Vạn Linh cho ra thị trường hơn 9 tạ bún. Sản phẩm không còn quanh quẩn chợ quê mà đã len lỏi vào các nhà hàng, quán ăn lớn, xa ra các địa phương ngoài huyện như TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị, Lao Bảo, Gio Linh, Hải Lăng.
Nguyễn Đăng Tuấn Cảnh nói thành công của cả nhóm hôm nay chính nhờ vào sự khác biệt. Giữa hàng trăm lò làm bún, bún sạch Vạn Linh có giá bán cao hơn thị trường nhưng vẫn được đón nhận bởi tạo được sự tin tưởng nơi người tiêu dùng.
“Mỗi cân bún làm ra được tụi mình cẩn thận đóng bì nilông dày, hút chân không hạn chế vi khuẩn phát triển giúp bún để được hai ngày, lâu hơn gấp đôi bún thường. Trên mỗi bao bún in rõ thương hiệu, ngày sản xuất, địa chỉ liên hệ giúp khách hàng an tâm hơn” - Cảnh nói.
Để nhiều người tiêu dùng biết đến, các bạn chủ động mang bún tiếp thị nhiều nơi. Bên cạnh đó, các bạn tận dụng kiến thức kinh tế và công nghệ thông tin học được từ đại học xây dựng website, sử dụng hình ảnh, viết bài quảng bá sản phẩm.
Cầm tấm bằng chứng nhận xưởng sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và bằng chứng nhận sản phẩm phù hợp quy định vệ sinh an toàn thực phẩm do Sở Công thương và Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cấp, Vinh tự hào cho biết phải đổ khá nhiều công sức đi lại, gửi sản phẩm kiểm nghiệm nhiều tiêu chí để lấy được chứng nhận, giúp khách hàng và đối tác tin tưởng tuyệt đối vào chất lượng sản phẩm nhóm làm ra.
Vinh nói tham vọng trong tương lai của cả nhóm là sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường ra các tỉnh thành khác tại miền Trung, đặc biệt là Huế, Đà Nẵng, bên cạnh đó sẽ nghiên cứu sản xuất bún khô để có thể đưa hàng đi xa hơn.
“Cái gì mình đã quyết thì không hối tiếc, chấp nhận đánh đổi những thứ khác để làm đến cùng. Với tụi mình, thành công hôm nay chính là nhờ dũng cảm từ bỏ những cái khác để sống với đam mê xây dựng thương hiệu bún sạch cho quê hương” - Vinh chia sẻ.
Quan tâm đến môi trường
Bên cạnh việc tạo ra bún sạch, nhóm Vinh cũng quan tâm tới việc xử lý nước thải bún để giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường. Theo Vinh, đặc trưng của các lò làm bún truyền thống là xả thải thẳng ra môi trường xung quanh nên mùi hôi rất nhiều, ruồi muỗi tập trung sinh sôi mạnh.
Do đó, các bạn tách lọc tinh bột trước khi thải nước ra ngoài và sử dụng chế phẩm sinh học khử mùi hôi. Nhờ vậy, dù quy mô sản xuất lớn hơn nhiều lò bún truyền thống nhưng các hộ xung quanh không hề cảm nhận được sự ảnh hưởng từ xưởng sản xuất.
“Cái gì mình đã quyết thì không hối tiếc, chấp nhận đánh đổi những thứ khác để làm đến cùng. Với tụi mình, thành công hôm nay chính là nhờ dũng cảm từ bỏ những cái khác để sống với đam mê xây dựng thương hiệu bún sạch cho quê hương
Nguyễn Hữu Vinh
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ