Thương nhân Trung Quốc tranh mua gỗ cao su, giá tăng “chóng mặt”
Trung Quốc đóng cửa rừng tự nhiên và cấm xuất khẩu gỗ nguyên liệu nên các thương nhân Trung Quốc tràn sang các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, tìm mua gỗ cao su nguyên liệu, cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nội địa.
Trong ảnh: Thu mua gỗ nguyên liệu tại huyện Tân Phú (Đồng Nai)
Từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ cho rằng, họ không tìm mua được nguồn nguyên liệu, phần vì bị thương lái Trung Quốc cạnh tranh, phần vì giá gỗ nội địa tăng chóng mặt”.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho biết, từ đầu năm 2017, Trung Quốc chính thức đóng cửa rừng tự nhiên và cấm khai thác, xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Để bù đắp cho sự thiếu hụt nguyên liệu, các thương nhân Trung Quốc đã tràn sang các nước để thu mua nguyên liệu, trong đó có Việt Nam.
Với tiềm lực kinh tế mạnh và có nhiều “mánh khóe” trong buôn bán, các thương lái Trung Quốc tăng cường thu mua, nâng giá bán, lũng đoạn thị trường ngay tại Việt Nam. Kèm theo đó là tình trạng các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và thương nhân Trung Quốc đội lốt doanh nghiệp Việt hình thành hệ thống nhà máy, cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ ở khắp các vùng nguyên liệu gỗ cao su cũng như gỗ keo tràm để xuất sang Trung Quốc.
Ông Điền Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2, cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, giá gỗ cao su trong nước tăng đến 40% so với thời điểm cuối năm 2016 và vẫn đang tiếp tục tăng thêm.
Trong khi đó, doanh nghiệp này hiện đang sử dụng 60-70% nguyên liệu là gỗ cao su để chế biến. Do đó, theo ông Hiệp, dù đã có sự chuẩn bị và tích trữ nguyên liệu trước, tuy nhiên, sự biến động giá quá lớn cũng khiến cho Minh Phát 2 đang thiếu hụt khoảng 50% nguyên liệu gỗ cao su để phục vụ cho các đơn hàng chế biến xuất khẩu.
Nhiều ý kiến cho rằng, trước những cạnh tranh không lành mạnh của thương nhân nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết giữa người trồng và người chế biến gỗ cao su. Tuy nhiên, việc liên kết này, nếu muốn, cũng rất khó.
Nhiều nơi, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mua được cành, ngọn và gốc cao su
Nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ Việt cho biết, đã có đến 90% lượng nguyên liệu gỗ cao su tại Tây Nguyên đã bị các doanh nghiệp Trung Quốc bao chiếm, họ cắm xưởng xẻ tại địa phương, thuê người dân địa phương đi gom hàng, họ trả trước tiền mặt. Phần còn lại, doanh nghiệp trong nước chỉ mua được phần cành, ngọn và gốc cao su.
Nguyên nhân, theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng ban Tư vấn phát triển ngành cao su thuộc Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), gỗ cao su là tài sản thanh lý, các doanh nghiệp phải thực hiện thu mua theo cơ chế đấu giá của Nhà nước. Do đó, dù có muốn liên kết với các doanh nghiệp chế biến gỗ thì các đơn vị cũng không thể chủ động được.
Bà Hoa cho biết, VRA đang kiến nghị Bộ Tài chính xem sản phẩm gỗ cao su là sản phẩm chính như cao su thiên nhiên. Từ đó, các doanh nghiệp có thể chủ động quyền điều hành, kế hoạch rải vụ, thời gian thanh lý... gỗ nguyên liệu cao su khi cần thiết.
“Khi đó, nguồn gỗ cao su cung cấp ra thị trường sẽ ổn định hơn và sự liên kết giữa các doanh nghiệp cao su với doanh nghiệp chế biến gỗ mới chủ động và bền chặt hơn”, bà Hoa cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ