Mô hình kinh tế Thủy sản - lắm nỗi lo

Thủy sản - lắm nỗi lo

Ngày đăng 05/11/2015

Các chuyên gia dự báo, cả năm 2015 xuất khẩu thủy sản cố lắm cũng chỉ về đích ở mức 6,6 - 7 tỷ USD, có nghĩa là không hoàn thành chỉ tiêu 8 tỷ USD đưa ra hồi đầu năm.

Giải thích về nguyên nhân xuất khẩu thủy sản sụt giảm, ngành chức năng cho rằng do thị trường khó khăn, sự cạnh tranh quyết liệt từ các nước đối với mặt hàng tôm, rào cản kỹ thuật dựng lên gây khó khăn cho thủy sản nước ta;

Thời tiết không thuận lợi khiến việc thả nuôi thủy sản bị ảnh hưởng, biến động tỷ giá…

Lý giải là vậy, song có nhiều nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản suy giảm; trong đó có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau đã “kéo” ngành thủy sản tuột dốc.

Lâu nay, cá tra được xem là thế mạnh về xuất khẩu thủy sản nước ta trên thương trường quốc tế.

Vậy mà xuất khẩu cá tra ngày càng bê bết tới không ngờ.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay các thị trường chính như Hoa Kỳ, EU, Brazil, Mexico, Asean… đều giảm nhập khẩu cá tra, kèm theo đó là giá xuất khẩu cũng giảm thê thảm.

Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL duy trì mức rất thấp, từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ nặng.

Thị trường xuất khẩu gặp khó nên không ít doanh nghiệp cạnh tranh nhau “chào giá thấp” để mong ký được hợp đồng, kèm theo đó là giảm chất lượng cá trong khâu chế biến.

Chất lượng cá giảm, tỷ lệ mạ băng cao… nên bị nhà nhập khẩu quốc tế và người tiêu dùng phản ứng, gây mất uy tín chung đối với mặt hàng cá tra.

Đây là vấn đề nhức nhối dù đưa ra bàn bạc nhiều lần, nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Thêm nỗi lo là các lô hàng thủy sản như tôm, cá biển… bị phát hiện vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tăng báo động.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, phía Nhật Bản đã cảnh báo tới 27 lô hàng thủy sản của các doanh nghiệp nước ta bị nhiễm kháng sinh, tăng 6 lô so với cùng kỳ.

35 lô hàng cá biển và tôm bị ngành chức năng Hoa Kỳ phát hiện vi phạm tiêu chuẩn kháng sinh; trong khi EU cảnh báo 27 lô hàng thủy sản của Việt Nam nhiễm kháng sinh và nêu tên 24 doanh nghiệp vào “bảng phong thần” nếu không cải thiện sẽ áp dụng biện pháp kiểm tra chặt chẽ.

Thị trường Úc cũng lên tiếng cảnh báo về dư lượng kháng sinh trong thủy sản của Việt Nam đang tăng… Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay đã có khoảng 32.000 tấn thủy sản các loại bị các nước nhập khẩu trả về do vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL và các doanh nghiệp nhìn nhận, môi trường nuôi tôm hiện nay bị ô nhiễm trầm trọng khiến tôm bị dịch bệnh liên tục.

Để phòng ngừa dịch bệnh và giảm thiểu rủi ro thiệt hại thì người nuôi tôm đành tăng cường sử dụng thuốc thú y, các loại kháng sinh… Trong khi các loại thuốc này được bày bán tràn lan, khó kiểm soát đâu là thuốc thật - thuốc giả; từ đó dẫn tới nguồn tôm nguyên liệu bị nhiễm kháng sinh là khó tránh khỏi.

Do tôm nguyên liệu đầu vào đã không đảm bảo an toàn, đến khi chế biến và xuất khẩu đi những thị trường khó tính bị phát hiện kháng sinh, trả về là chuyện đương nhiên.

Nhiều hộ nuôi tôm ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… than thở, năm nay người nuôi bị “lỗ kép” khi tôm nuôi chết tràn lan và giá bán giảm mạnh.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc đang triển khai đem lại kết quả khả quan.

Nhờ quy trình nuôi công nghệ cao nên năng suất tôm có thể đạt từ 100 tấn/ha/năm trở lên, nhưng không sử dụng kháng sinh nên đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, đáp ứng cho các thị trường khó tính.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đánh giá cao thành công bước đầu của mô hình nuôi tôm trong nhà kính ở Bạc Liêu, cần được nghiên cứu nhân rộng; bởi năng suất cao, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo về môi trường và có thể nuôi theo quy mô lớn…

Đối với cá tra, Hiệp hội Nghề cá các tỉnh ĐBSCL đề xuất nên phát triển mô hình “nuôi gia công” theo dạng nông dân có đất đai, ao hầm và doanh nghiệp bỏ vốn thuê nông dân nuôi; sau đó thu mua cá nguyên liệu và trả tiền công cho nông dân.

Cách làm này sẽ bền vững bởi đôi bên đều có lợi.

Cần thấy rằng, ngành thủy sản đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Mặt khác, việc gia tăng xuất khẩu thủy sản sẽ giải quyết việc làm cho rất đông lao động đang làm việc ở các công ty, xí nghiệp thủy sản; và hàng loạt hộ nuôi thủy sản cũng được hưởng lợi; đồng thời còn góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế của nhiều địa phương ven biển.

Ngành thủy sản đang cần một sự thay đổi mạnh từ việc nuôi đến chế biến và xuất khẩu theo hướng “liên kết” để phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

dien-tich-tom-lua-my-xuyen-se-dat-tren-10-000-ha Diện tích tôm lúa Mỹ… nuoi-tom-4-an Nuôi tôm 4 an