Trồng lúa Tiềm năng lúa đỏ

Tiềm năng lúa đỏ

Tác giả Việt Khánh, ngày đăng 20/03/2020

Giống lúa đỏ có thời gian sinh trưởng ngắn, là giống cảm ôn nên có thể gieo cấy thuận lợi cả vụ Đông Xuân và Hè Thu.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm trong việc xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn, TCty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã chọn tạo 6 loại giống lúa mới, nổi bật là giống cho gạo đỏ.

Bắt đầu tiến hành khảo nghiệm cơ bản từ vụ xuân 2012, áp dụng trồng thử nghiệm trong suốt 3 vụ qua trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (10 ha), Đắk Lắk (5 ha), Bình Định (2 ha) và nhiều nhất là ở Nghệ An (50 ha).

"Kết quả SX thử tại Trại Kiểm nghiệm giống cây trồng Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) cho thấy giống "lúa đỏ" thu hoạch trên 2 sào, hơn 650 kg thóc tươi, chất lượng gạo tốt, cơm dẻo, thơm và ăn rất bùi, nếu đưa vào SX đại trà, khả năng thành công là rất lớn", ông Trần Lê Chương, Phó Chủ tịch xã Kim Liên cho biết.

Từ những tín hiệu tích cực tại trại khảo nghiệm giống Kim Liên, TCty VTNN Nghệ An quyết định tiếp tục trồng thử nghiệm cho năng suất cao trên diện tích 5 ha ở xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương.

TGĐ Trương Văn Hiền chia sẻ: “Sản phẩm mới của chúng tôi dù mới tung ra thị trường nhưng đã được đông đảo bà con nông dân đón nhận. Kết quả từ các mô hình thử nghiệm là rất khả quan, sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng thêm diện tích lên vài ngàn ha, tập trung SX giống lúa đỏ trên cánh đồng mẫu lớn”.

Giống lúa đỏ có thời gian sinh trưởng ngắn, là giống cảm ôn nên có thể gieo cấy thuận lợi cả vụ ĐX và HT. Sức nảy mẩm, sức sống của mạ rất tốt, thời gian trổ nhanh, cứng cây, bộ lá đẹp, chống đổ tốt, độ thuần ổn định, chống hạn và rét khá, năng suất thực thu cao hơn nhiều giống lúa khác.

Sau 2 lần bố trí thí nghiệm so sánh đối chứng năng suất với Khang dân 18, Bắc thơm số 7 thì năng suất của lúa đỏ tỏ ra vượt trội. Vụ HT 2012 đạt 61,6 tạ/ha, cao hơn Khang dân 18 là 3,6 tạ/ha, vượt 6,20%; cao hơn Bắc thơm số 7 đến 6,20%. Vụ ĐX 2013 cao hơn Khang dân 18 là 5,2 tạ/ha, hơn Bắc thơm số 7 là 8,4 tạ/ha...

Gạo đỏ cho cơm dẻo, bùi, đặc biệt trong thành phần của gạo có hàm lượng sắt cao nên ngoài chức năng là thực phẩm còn là dược liệu, có hiệu quả với những người có bệnh béo phì và tiểu đường.

Lúa đỏ có số bông/khóm cao (5,5 - 6 bông), cho khối lượng nghìn hạt lớn (25,4 gram), TGST ngắn hơn 5-7 ngày so với giống VTNA2, ít nhiễm sâu bệnh. Nếu thâm canh tốt sẽ cho năng suất cao, có thể lên đến 7 tấn/ha.

Đặc tính của giống lúa này là nảy mầm rất nhanh nên cần phải xác định ngưỡng chín (85-90%) là gặt ngay, mặt khác khi thu hoạch vào thời tiết ẩm ướt thì phải hạn chế tấp đống.

Theo ông Từ Trọng Kim, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN-PTNT Nghệ An thì lúa đỏ vẫn đang trong quá trình kiểm định, dù bước đầu đã có thành công nhưng mới chỉ là qua khảo nghiệm, cần phải tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng các bước mới có thể đưa vào cơ cấu giống của tỉnh.

Từ tín hiệu khả quan mà các mô hình đã mang lại, triển vọng để giống lúa đỏ xâm nhập và vươn xa là hoàn toàn có thể. TCty VTNN Nghệ An đang gấp rút làm báo cáo kết quả để sản phẩm sớm được công nhận.


Có thể bạn quan tâm

mot-so-giong-lua-thuan-moi-nang-suat-cao-chong-chiu-sau-benh-tot Một số giống lúa thuần… chu-dong-phong-tri-benh-chay-bia-la-lua Chủ động phòng trị bệnh…