Mô hình kinh tế Tiềm Năng Mở Ra Cho Nhà Vườn Trồng Bưởi Da Xanh

Tiềm Năng Mở Ra Cho Nhà Vườn Trồng Bưởi Da Xanh

Ngày đăng 19/09/2014

Nhà vườn trồng bưởi da xanh ở khu vực ĐBSCL đã và đang được doanh nghiệp đồng hành chia lợi nhuận bằng cách xây kho lạnh dự trữ hàng nên giá luôn ở mức cao.

Ông Nguyễn Văn Xốt, ở ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre canh tác 5.000m2 bưởi da xanh, cho biết: Nhà vườn trồng bưởi da xanh bây giờ chỉ tập trung vào sản xuất sao cho đạt năng suất cao và chất lượng. Đầu ra của trái bưởi da xanh không cần phải lo và sợ thương lái ép giá, vì toàn bộ trái chín đã được cơ sở Hương Miền Tây, ở ngã ba Bền, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Giá trị của trái bưởi da xanh đang đứng số một trong tất cả các loại cây ăn trái ở ĐBSCL. Từ đầu năm 2014 đến nay, giá bưởi da xanh rất ổn định và luôn đứng ở mức khá cao.

Ngay lúc này, đang vào thu hoạch rộ, nhưng giá bưởi da xanh vẫn đứng ở mức 38.000 đồng/kg loại I; loại II có giá 28.000 đồng/kg; loại III có giá 18.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí đầu tư nhà vườn thu lãi hơn 70%/tổng thu nhập.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế của trái bưởi da xanh, ông Đặng Văn Đoàn, ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đã chuyển 1ha bưởi Năm Roi già cỗi sang trồng bưởi da xanh. Ông Đoàn tâm sự: “Đầu ra của trái bưởi da xanh bây giờ không phải lo, không sợ ép giá vì đã có thương lái ở Bến Tre đến thu mua toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường”.

Thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp huyện Châu Thành, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có khoảng 800ha đất vườn được bà con trồng bưởi da xanh. Các xã trồng nhiều bưởi da xanh như: Phú Tân, Phú Hữu và thị trấn Mái Dầm. Tuy vậy, cây bưởi da xanh rất khó trồng và kén đất, tỷ lệ trồng thành công còn thấp.

Thạc sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, cho rằng: Cây bưởi da xanh rất khó trồng, rất kén đất, đòi hỏi kỹ thuật cao, nhưng khả năng đáp ứng phổ thông của nhà vườn còn hạn chế, chính vì vậy dẫn đến thành công chỉ khoảng 40% so với số hộ trồng.

Nếu canh tác đạt, bưởi da xanh sẽ cho năng suất bình quân khoảng 12 tấn/ha, sau khi trừ chi phí thì nhà vườn vẫn còn lợi nhuận khoảng 70%. Hiệu quả của cây bưởi da xanh là rất cao, vì vậy các địa phương muốn phát triển thì cần quy hoạch vùng thích hợp, phải đầu tư và ứng dụng quy trình sản xuất hữu cơ là tốt nhất. Trong quá trình phát triển, cần phải gắn bó với doanh nghiệp tiêu thụ để ổn định đầu ra. 

Việc liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ không chỉ giúp nhà vườn nâng cao thu nhập mà doanh nghiệp cũng hưởng lợi.

Ông Đàm Văn Hưng, Chủ cơ sở Hương Miền Tây, chia sẻ: Cái lợi của doanh nghiệp trong việc liên kết 4 nhà là được các địa phương hỗ trợ xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu có sản lượng ổn định, chất lượng đồng nhất. Khi đó, doanh nghiệp rất dễ xác lập kế hoạch điều tiết và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thực tế đang chứng minh, mùa trái chín đang vào thu hoạch, nhưng bưởi da xanh vẫn giữ được giá cao. Ngay lúc này, cơ sở thu mua bình quân mỗi ngày khoảng 30 tấn trái. Giá tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn đứng ở mức 38.000 đồng/kg là cao hơn cùng kỳ năm trước 10.000 đồng/kg.   

Toàn tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 5.000ha bưởi da xanh đang cho trái, sản lượng doanh nghiệp thu mua trong năm 2014 khoảng 120.000 tấn, chiếm khoảng 60% sản lượng toàn tỉnh.

Dự đoán đến năm 2017, diện tích sẽ tăng lên nhiều, sản lượng bưởi da xanh ở Bến Tre và cả khu vực ĐBSCL sẽ tăng lên gấp đôi hiện tại. Như vậy, muốn điều tiết thị trường, bình ổn giá bưởi da xanh thì phải có kho lạnh dự trữ nên cơ sở Hương Miền Tây đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng cho kho lạnh 1.400 tấn.

Ông Hưng cho biết thêm: Sở dĩ cơ sở mạnh dạn xây dựng kho lạnh trữ bưởi da xanh là xuất phát từ thành công của năm 2013. Khi bước vào mùa thu hoạch rộ (tháng 7, tháng 9), bưởi da xanh giảm còn 27.000 đồng/kg mà vẫn bị thương lái ép giá.

Khi đó, doanh nghiệp đã thu mua dự trữ hơn 120 tấn trái đưa vào kho lạnh trữ lại 60 ngày thì giá tăng trở lại và đến mức 35.000 đồng thì xuất bán, nhưng màu sắc, chất lượng vẫn đảm bảo. Nếu năm 2013, không có kho trữ lạnh lại số lượng hàng trên thì giá có khả năng lao xuống đến mức 20.000 đồng/kg.

Từ thành công đó nên rút ngay bài học kinh nghiệm là có kho trữ lạnh là sẽ điều tiết được thị trường trong nước và xuất khẩu. Một điều nhà vườn trồng cây ăn trái cần hiểu rằng, xuất khẩu là để bình ổn giá trong nước chứ không phải bán được giá cao.

Thực tế qua 8 năm đưa trái bưởi da xanh xuất khẩu, chưa bao giờ doanh nghiệp bán được giá cao hơn 2 USD/kg. Giá như thế, nhưng đối tác nhập khẩu đòi hỏi sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn GAP, phải được chiếu xạ và kiểm dịch... Như vậy, chúng ta buộc phải tuân thủ để giữ thị trường xuất khẩu thì mới điều tiết được thị trường trong nước.

Ông Phan Văn Khổng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bến Tre, cho rằng: Dự án phát triển 6.000ha bưởi da xanh trong vườn dừa đã và đang hình thành vùng nguyên liệu ổn định về sản lượng và chất lượng.

Đầu ra của trái bưởi da xanh được cơ sở Hương Miền Tây đảm nhận tốt trong mối liên kết 4 nhà và đang giúp cho nhà vườn hưởng lợi rất lớn. Việc doanh nghiệp bỏ ra một khoản vốn khá lớn để đầu tư máy đóng hộp, máy chiếu xạ, kho lạnh trữ hàng là một cách làm đột phá và duy nhất ở ĐBSCL.


Có thể bạn quan tâm

nhung-cu-nhan-dai-hoc-lam-giau-o-que-nha Những Cử Nhân Đại Học… giai-phap-thich-ung-bien-doi-khi-hau Giải Pháp Thích Ứng Biến…