Mô hình kinh tế Tiềm năng xuất khẩu cá rô phi

Tiềm năng xuất khẩu cá rô phi

Ngày đăng 10/09/2015

Thị trường rộng mở

Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, diện tích nuôi cá rô phi của cả nước năm 2014 là 16.000 ha, sản lượng 125.000 tấn. Năm 2015, dự kiến diện tích nuôi đạt 21.000 ha, sản lượng 150.000 tấn. Cá rô phi được chế biến thành nhiều sản phẩm như: phi lê còn da, phi lê lạng da, cá rô phi nguyên con đông lạnh. Đây là những sản phẩm được các thị trường lớn trên thế giới ưa chuộng và lựa chọn nhập khẩu.

Theo GS.TS David Little, Viện Nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Stirling (Scotland), những nước Trung và Nam Mỹ đã nhắm đến thị trường Bắc Mỹ cho việc xuất khẩu phi lê cá tươi. Các nhà thu mua từ lâu đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cá rô phi, phi lê đông lạnh từ Trung Quốc sang nước khác, nhưng rất ít nhà sản xuất có thể cung cấp với giá cạnh tranh.

Thu hoạch cá rô phi thương phẩm tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Ngành sản xuất cá rô phi Việt Nam có nhiều thuận lợi về khả năng cạnh tranh như cơ sở hạ tầng, kiến thức, kỹ thuật, các mối liên kết thị trường. Nền tảng ngành sản xuất cá tra sẽ hỗ trợ phát triển chế biến khối lượng lớn cá rô phi. Hiện Việt Nam có hơn 600 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp với công suất chế biến 2,8 triệu tấn/năm. Đây chính là điều kiện kỹ thuật thuận lợi cho ngành sản xuất, chế biến cá rô phi phát triển.

Cá rô phi có thịt trắng, dễ nuôi, ít bệnh, thức ăn không đòi hỏi chất lượng cao, giá thành sản xuất thấp, thích nghi cả với nước ngọt và lợ. Tiềm năng xuất khẩu trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ với giá trị hơn 32 triệu USD năm 2014. Ba nước nhập khẩu lớn nhất sản phẩm này của Việt Nam là Mỹ, Tây Ban Nha và Colombia.

Mức tiêu thụ mạnh đang tăng trưởng không chỉ tại thị trường Mỹ mà trên toàn thế giới - ông Ngô Thế Anh, chuyên viên Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết.

Tuy nhiên, Việt Nam là nước đi sau Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Philippines trong xuất khẩu cá rô phi. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam gặp phải những khó khăn nhất định trong tìm kiếm thị trường, đặc biệt thị trường tiêu thụ mạnh như Mỹ, châu Âu…

Nâng cao chất lượng để cạnh tranh

Với tiềm năng xuất khẩu lớn, việc đặt ra trước mắt là phải cải thiện con giống để cá rô phi có chất lượng tốt, giảm thiểu hao hụt và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, 70% sản lượng cá rô phi tập trung tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long và 30% còn lại tập trung ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, vì điều kiện thời tiết nên khu vực phía Bắc chỉ nuôi một vụ/năm. Mỗi năm, nước ta sản xuất 455 triệu con giống cá rô phi cấp cho thị trường.

Cá rô phi hiện chưa phải là loài thủy sản chủ lực cho xuất khẩu nên các trung tâm giống chưa phát triển mạnh khâu ương giống. Loại cá giống hiện nay do doanh nghiệp và nông dân tự sản xuất và cung cấp cho thị trường.

Trong quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến khích các Viện, trường đại học và doanh nghiệp nhập giống cá rô phi của nước ngoài về nghiên cứu, chọn tạo giống. Từ đó tiến tới tự sản xuất giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở từng vùng của Việt Nam.

Đồng thời định hướng các địa phương phát triển vùng nuôi cá rô phi gắn với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phù hợp với từng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng giống cá rô phi tại địa phương theo quy định hiện hành như: kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng cá rô phi trước khi xuất bán.

Đồng thời các địa phương quản lý chặt quy hoạch, tránh tình trạng nuôi cá rô phi trong lồng bè tràn lan, gây ô nhiễm môi trường và cản trở giao thông đường thủy.

Phát triển diện tích nuôi cá rô phi phải gắn với tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Theo GS.TS David Little, để ngành công nghiệp sản xuất cá rô phi Việt Nam phát triển tốt, các doanh nghiệp cần phải tìm cách sản xuất sản phẩm chất lượng theo hướng thực hành sản xuất tốt (Global GAP).

Quan trọng nhất là xây dựng chiến lược quản lý sức khỏe vật nuôi hiệu quả cao đối với nuôi cá bè.

Doanh nghiệp và nông dân Việt Nam phải xem xét việc chọn dịa điểm nuôi, kết cấu bè, mật độ cá thả, chất lượng thức ăn cho cá.

Việc sản xuất giống phải được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt là các chiến lược giai đoạn ương giống để sản xuất số lượng lớn, cá giống khỏe mạnh, chất lượng cao.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam phải xây dựng thương hiệu sản phẩm cá rô phi riêng, tạo sản phẩm đặc trưng, riêng biệt mới có thể cạnh tranh với sản phẩm của các nước đi trước về xuất khẩu cá rô phi.


Có thể bạn quan tâm

gia-cau-tai-quang-ngai-tang-cao-bat-ngo-nho-xuat-sang-an-do Giá cau tại Quảng Ngãi… gia-dua-kho-tang-manh Giá dừa khô tăng mạnh