Tin nông nghiệp Tiềm năng xuất khẩu gạo sang thị trường Senegal

Tiềm năng xuất khẩu gạo sang thị trường Senegal

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 18/03/2020

Năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Senegal tăng mạnh so với năm 2018, tuy nhiên, giá gạo sụt giảm.

Theo Hiệp hội nông lương Liên hiệp quốc (FAO), năm 2019, Senegal nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo, tăng 15% so với năm 2018 do sản lượng lúa tại thung lũng sông Senegal không được tốt, giảm khoảng 100.000 tấn.

Năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Senegal tăng mạnh so với năm 2018, tuy nhiên, giá gạo sụt giảm. Cụ thể, xuất khẩu gạo Senegal đạt 96.665 tấn, kim ngạch đạt 32.620.273 USD, tăng 13,1 lần về lượng và gấp 10,2 lần về giá trị. Trên thị trường này, gạo Việt Nam phải cạnh tranh với gạo của Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan, Trung Quốc, Braxin, Áchentina, Uruguay, Hoa Kỳ, Malaisia và Campuchia.

Từ 1995, Senegal xóa bỏ độc quyền nhập khẩu gạo của công ty Nhà nước và tự do hóa hoàn toàn việc nhập khẩu loại lương thực này. Do luôn bị hạn hán đe dọa nên sản xuất lương thực của Senegal chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu trong nước. Mỗi năm, nước này vẫn phải nhập khẩu từ 700.000 đến 800.000 tấn gạo trong đó hơn 90% là gạo tấm. Người dân Senegal chuộng gạo tấm vì ngoài yếu tố giá rẻ, thì đây còn là thói quen có từ thời thuộc Pháp. Trước đây, người Pháp dành cho dân Senegal gạo tấm từ những nước Đông Dương. Để thanh toán loại lương thực này, khi đó Senegal phải độc canh cây lạc nhằm cung cấp dầu cho các nhà máy ở Marseille và Bordeaux. Sau khi giành độc lập năm 1960, hệ thống này đã ngừng lại song Senegal vẫn phụ thuộc vào gạo nhập khẩu. Mặc dù Chính phủ Senegal đã nỗ lực triển khai chương trình phát triển lúa nước nhằm tiến tới tự túc lương thực vào năm 2017, nhưng mục tiêu này đến nay chưa thực hiện được. Do chi phí sản xuất lúa cao, trên thị trường nội địa, giá gạo tấm nhập khẩu đôi khi rẻ hơn 2 lần so với gạo địa phương.

Tại Senegal, gạo, kê, lúa miến và ngô là những thức ăn cơ bản của các hộ gia đình. Đỗ lạc cũng là nguồn protein quan trọng và là cây trồng mang lại lợi nhuận cao. Gạo nhập khẩu được tiêu thụ hàng ngày bởi đại đa số người dân, đặc biệt là tại các trung tâm đô thị ở thủ đô Dakar và thành phố Touba. Gạo địa phương chủ yếu được sản xuất ở thung lũng sông Senegal.

Dự báo năm 2020, nhu cầu nhập khẩu gạo của Senegal nói riêng và châu Phi nói chung vẫn ở mức cao do tháng hai vừa qua, đại dịch châu chấu bùng phát ở Đông Phi phá hoại mùa màng, thêm vào đó là dịch Covid-19 dẫn đến tâm lý người dân tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm trong đó có gạo. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nhu cầu gạo của châu Phi năm 2020 ước khoảng 15,7 triệu tấn trong đó Senegal có thể phải nhập khẩu 1,3 triệu tấn.

Senegal là thành viên Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS) thành lập năm 1975 (gồm 15 quốc gia Bénin, Burkina Faso, Cap vert, Côte- d’Ivoire, Gambia, Ghana, Guinée Bissau, Libéria, Mali, Niger, Nigéria, Cộng hòa Guinée, Sénégal, Sierra Léone và Togo). Cộng đồng ECOWAS có biểu thuế quan đối ngoại chung (TEC) áp dụng kể từ ngày 1/1/2015 đối với các nước không phải là thành viên.

Các loại thuế nhập khẩu thóc gạo trong khuôn khổ TEC bao gồm: Thuế hải quan (10% với gạo và 5% với thóc); Phí thống kê (1%); Thuế hội nhập cộng đồng (0,5%). Ngoài ra còn có loại thuế VAT áp dụng tùy theo quốc gia.

Tại Senegal, ngoài các loại thuế kể trên còn có Thuế cho Hội đồng các chủ hàng (COSEC) là 0,2%. Thuế VAT được áp dụng ở một mức duy nhất là 18%. Nếu gộp các loại thuế, có thể thấy đối với thóc, thóc giống: Thuế nhập khẩu là 7,7%, thuế VAT là 18%; Đối với gạo trắng, gạo lức: Thuế nhập khẩu là 12,7%, thuế VAT là 18%; Đối với gạo tấm: Thuế nhập khẩu là 12,7% đối, thuế VAT là 18%; Các loại gạo khác: Thuế nhập khẩu là 12,7% đối, thuế VAT là 18%.


Có thể bạn quan tâm

nuoi-de-khong-kho Nuôi dê không khó nguoi-so-huu-hang-tram-goc-hoa-hong-ngoai Người sở hữu hàng trăm…