Mô hình kinh tế Tiên phong trồng hoa Đà Lạt công nghệ cao, thu tiền tỷ

Tiên phong trồng hoa Đà Lạt công nghệ cao, thu tiền tỷ

Tác giả Tuấn Anh, ngày đăng 02/07/2021

Tiên phong đưa hoa cúc Đà Lạt về trồng tại Gia Lai theo hướng công nghệ cao, 2 thanh niên đã gặt hái được nhiều thành công với thu nhập hàng tỷ đồng.

Vườn hoa cúc Đà Lạt tuyệt đẹp tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Câu chuyện đưa hoa Đà Lạt về vùng đất Chư Sê (tỉnh Gia Lai) để trồng đã khiến không ít người dân tỏ ra hoài nghi về mức độ hiệu quả của mô hình này. Tuy nhiên, 2 anh em Võ Văn Luân và Trần Ngọc Tùng (trú tại thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) đã chứng minh cho mọi người thấy rằng, nếu quyết tâm thành công sẽ đến.

Thu tiền tỷ từ trồng hoa cúc Đà Lạt

Chúng tôi gặp anh Trần Ngọc Tùng khi anh đang kiểm tra vườn hoa để chuẩn bị thu hoạch giao cho khách hàng. Anh Tùng cho biết, vườn hoa của 2 anh em đang được nhiều thương lái ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Nha Trang, Cần Thơ, Đà Nẵng đến thu mua, đầu ra cho sản phẩm rất ổn định.

Hiện vườn hoa có diện tích gần 1,2 ha với giá bán dao động từ 2.700-3.500 đồng/cây, mỗi năm 2 anh em Tùng thu nhập trên 1,2 tỷ đồng.

Với diện tích 1,2 ha, hoa cúc của 2 anh em hàng năm thu về hàng tỷ đồng.

Chia sẻ câu chuyện đưa hoa Đà Lạt về trồng tại Chư Sê, anh Tùng kể, năm 2014, sau khi học xong khóa học bảo vệ thực vật tại thành phố Đà Lạt, mình vừa đi làm thêm vừa thuê đất để trồng hoa trong nhà kính. Sau nhiều năm trồng hoa tại Đà Lạt, hành trang anh Tùng có được là những kiến thức về kỹ thuật trồng hoa cúc và lượng khách hàng ổn định.

Nhận thấy quỹ đất ở Gia Lai còn rất nhiều và chất lượng lại tốt hơn so với ở Đà Lạt. Hơn nữa, ở Gia Lai cũng không thiếu nguồn nước tưới và các loại vật tư. Vậy tại sao mình phải đi thuê đất trồng hoa mà không về quê hương lập nghiệp ngay tại mảnh đất của gia đình?.

Từ suy nghĩ đó, năm 2018, anh trở về nhà và bắt đầu trồng thử nghiệm 500 m2 hoa cúc. Kết quả, cây hoa cúc phát triển rất tốt, bông hoa nở to và đẹp. Thấy vậy, anh Tùng đã thuyết phục anh Võ Văn Luân (anh vợ) đầu tư kinh phí nhằm mở rộng diện tích trồng hoa hướng đến việc kinh doanh, cung cấp cho thị trường.

Ban đầu, anh Võ Văn Luân còn do dự vì số tiền đầu tư quá lớn, nhưng khi nghe em mình thuyết phục anh Luân đã đồng ý. Sau đó, 2 anh em bắt tay ngay vào việc trồng hoa trên diện tích 4 sào (1 sào 1.000m2) trồng hoa cúc kim cương vàng và cúc đại đóa.

Vườn hoa cúc được trồng theo công nghệ nên chất lượng hoa rất tốt.

Cuối năm 2018, 2 anh em thu hoạch vụ hoa đầu tiên, giá bán khoảng 2.700 đồng/ cây. Sau khi trừ hết  chi phí, lãi gần 600 triệu đồng.

Thành công bước đầu lại càng thôi thúc 2 anh em Tùng mở rộng thêm diện tích trồng hoa. Tháng 2/2020, anh em Tùng mở rộng thêm hơn 7 sào để nâng tổng số diện tích trồng hoa lên gần 1,2 ha. Giống hoa chủ yếu từ Đà Lạt như cúc kim cương vàng, cúc đại đóa và cúc chùm AT.

Trung bình 1,2 ha, anh Tùng trồng gần 1 triệu cây hoa cúc các loại nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Để thường xuyên có hoa bán, anh chọn cách trồng gối vụ, tháng nào cũng xuống giống mới.

“Với một sào đất vườn trồng được 3 vụ hoa/năm, mỗi vụ trung bình tôi trồng được khoảng 70 ngàn cây cúc. Với giá bán tại vườn 2.700 đồng/cây, mỗi năm tôi có thể thu về hàng trăm triệu đồng”, anh Tùng chia sẻ.

Đưa nhiều công nghệ vào trồng hoa

Dành được một khoản tiền từ những vụ thu hoạch hoa, 2 anh em Tùng quyết định đầu tư hệ thống nhà kính với diện tích 2,3 sào. Anh Tùng cho biết, việc trồng hoa trong nhà kính đã không còn bị phụ thuộc vào thời tiết như trước đây nữa.

“Mọi người đều biết, với khí hậu 2 mùa mưa và nắng như ở Gia Lai sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho những người trồng hoa. Mùa mưa khiến hoa dễ bị chết do ngập úng, còn mùa nắng thì hoa cũng bị héo tàn. Giờ trồng hoa trong nhà kính những hạn chế đó đã được khắc phục”, anh Tùng chia sẻ.

Với việc trồng hoa trong nhà kính sẽ không bị phụ thuộc vào thời tiết. 

Cũng theo anh Tùng, trồng hoa trong nhà kính còn ngăn chặn được côn trùng, sâu bọ tấn công, giúp cho cây hoa thêm chắc khỏe. Ngoài ra, việc tưới nước chăm sóc hoa trong nhà kính cũng sẽ giúp lượng nước không bị thất thoát, bốc hơi nước như ở ngoài trời, qua đó giúp tiết kiệm được lượng nước nhất định.

Hiện vườn hoa của 2 anh em Tùng được lắp đặt toàn bộ hệ thống tưới tiết kiệm phun sương trên ngọn. Điểm nổi bật nhất trong vườn hoa của anh Tùng phải kể đến công nghệ thắp sáng với hệ thống các bóng đèn led tiết kiệm điện và đồng hộ hẹn giờ theo công nghệ của Nhật. Việc sử dụng công nghệ thắp sáng, cây hoa lúc còn nhỏ sẽ đủ ánh sáng, nụ không nở sớm và phát triển chiều cao tốt.

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê cho biết, vườn hoa cúc Đà Lạt của 2 anh em Tùng là mô hình điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Với những thành công từ mô hình trồng hoa cúc, có thể thấy, thổ nhưỡng, khí hậu và các điều kiện tự nhiên khác tại địa phương phù hợp để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Trong thời gian tới, huyện sẽ triển khai xây dựng vườn ươm, nhân giống, tạo điều kiện để người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.


Có thể bạn quan tâm

thu-nhap-hang-tram-trieu-dong-tu-nuoi-ca-canh Thu nhập hàng trăm triệu… nuoi-ba-ba-thuong-pham-dat-hieu-qua-kinh-te-cao-tai-hau-giang Nuôi ba ba thương phẩm…