Mô hình kinh tế Tiêu thụ nông sản tại Sơn La liên kết bước đột phá

Tiêu thụ nông sản tại Sơn La liên kết bước đột phá

Ngày đăng 24/09/2015

Tuy nhiên, giống như nhiều địa phương khác trên cả nước, vấn đề khó khăn nhất đối với Sơn La hiện nay là tiêu thụ nông sản.

Ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La đang kiểm tra mô hình ghép cây giống

Điều kiện thiên nhiên ưu đãi tạo cho Sơn La tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp hàng hóa có lợi thế với quy mô lớn mà ít nơi có được như cà phê, rau sạch, hoa và cây cảnh, trồng dâu, nuôi tằm, nhất là chè đặc sản chất lượng cao trên cao nguyên Mộc Châu, Nà Sản.

Ngoài ra, Sơn La còn có tiềm năng chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là đàn bò sữa đã được phát triển trên 40 năm và đang ngày càng mở rộng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La, một trong những kênh tiêu thụ nông sản phổ biến nhất là hệ thống chợ với tỷ lệ khoảng 20% tổng giá trị hàng nông sản hàng năm, chủ yếu là rau, hoa, lâm sản, gia súc, gia cầm…

Bên cạnh đó là hình thức tiêu thụ nông sản qua thương lái (chiếm khoảng 50% tổng giá trị hàng nông sản tiêu thụ hàng năm với các sản phẩm chính là ngô, sắn, cà phê, quả tươi, dược liệu)…

Hình thức tiêu thụ được coi là “an toàn” nhất cho nông dân hiện nay là thông qua hợp đồng, liên kết sản xuất với các sản phẩm như chè, mía, sữa... phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trên thị trường.

Điển hình trong mô hình liên kết hiệu quả cung cấp vật tư nông nghiệp tiêu thụ sản phẩm là Công ty CP Mía đường Sơn La, Công ty CP Chè Mộc Châu; Công ty CP Thương mại sông Đà; Công ty CP giống bò sữa Mộc Châu…

Tuy nhiên, hình thức này mới chỉ chiếm khoảng trên 30% tổng giá trị hàng hóa nông sản.

Nguyên nhân là hợp đồng vẫn còn nhỏ do quy mô HTX, tổ hợp tác chưa lớn, vốn ít, mạng lưới kinh doanh hẹp, tình trạng hộ dân phá vỡ hợp đồng vẫn khá phổ biến.

Khi giá nông sản tăng, các hộ đã tự ý bán cho tư thương giá cao hơn, thậm chí bán sản phẩm ra ngoài để tránh phải thanh toán những khoản đầu tư ứng trước của các đơn vị. Điều đó đã gây không ít khó khăn trong việc thực hiện hợp đồng, giảm sức hút với các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất chế biến nông sản.

Chưa kể việc sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp thủ công, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.

Để tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, quan điểm của Sơn La là phát triển sản phẩm theo chiều sâu, trên cơ sở nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Đồng thời, xây dựng thương hiệu để phát triển sản phẩm. Đơn cử như với sản phẩm nhãn Sông Mã, huyện Sông Mã định hướng cho bà con ghép cải tạo vườn nhãn bằng giống chín muộn khoảng 30%, số còn lại để đưa vào sấy long nhãn.

Mục tiêu của Sơn La đến năm 2020 sẽ đạt 100% sản lượng cà phê, chè, mía, sắn, ngô phục vụ chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; trên 95% sản lượng rau, hoa, quả phục vụ tiêu thụ trong và ngoài tỉnh; trong đó sản lượng quả phục vụ chế biến chiếm trên 20% sản lượng quả tiêu thụ; 100% sản lượng sữa, thịt, trứng phục vụ nhu cầu trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu đối với các loại cá có giá trị kinh tế cao phục vụ thị trường.


Có thể bạn quan tâm

nhan-rong-mo-hinh-chan-nuoi-lien-ket-tai-ky-thu Nhân rộng mô hình chăn… an-so-thuc-an-chan-nuoi Ẩn số thức ăn chăn…