Tìm Cách "Cứu" Nghề Nuôi Tôm Nước Lợ
Nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) liên tiếp sụt giảm về sản lượng và diện tích thả nuôi. Tại cuộc hội thảo tổ chức vào ngày 1.11, lãnh đạo địa phương cho biết sẽ tập trung các điều kiện cần thiết để “cứu” nghề nuôi tôm nước lợ trong thời gian tới.
Hiệu quả thấp
Thời gian qua, sản lượng và năng suất của nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn Tam Kỳ liên tục giảm sút. Năm 2009, tổng diện tích thả nuôi trên địa bàn 381ha, sản lượng thu hoạch đạt hơn 1.700 tấn, năng suất 4,48 tấn/ha. Đến năm 2010, sản lượng chỉ đạt hơn 700 tấn, năng suất xấp xỉ 4 tấn/ha. Hai năm 2011, 2012 sản lượng chỉ đạt mức 500 tấn, năng suất hơn 2 tấn/ha. Đến năm 2013, diện tích nuôi tôm chỉ còn 230ha, năng suất chỉ đạt 1,32 tấn/ha.
Ông Phan Bá Hội - Phó phòng Kinh tế TP.Tam Kỳ cho biết, thời gian qua do dịch bệnh thường xuyên xảy ra nên năng suất nuôi tôm nước lợ trên địa bàn sụt giảm. Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lương - Bí thư Đảng ủy xã Tam Phú nói: “Đến cuối vụ 2 năm 2013, toàn xã có 300 hộ dân nuôi tôm nước lợ trên tổng diện tích là 100ha, mô hình nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún. Do thiếu vốn nên hạ tầng vùng nuôi đầu tư rất sơ sài, thủy lợi không đảm bảo. Trong khi đó do nguồn nước sông Trường Giang ngày một ô nhiễm nặng, các hộ nuôi lại không thể đầu tư kênh cấp nước, ao chứa lắng nên không thể hạn chế phát sinh của mầm bệnh. Do vậy, các bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại gan tụy… thường xyên xảy ra gây thua lỗ, thất bát”.
Ngoài xã Tam Phú có diện tích nuôi tôm nước lợ lớn nhất thành phố, nuôi tôm nước lợ trên địa bàn Tam Kỳ còn phân bố ở Tam Thăng, Tam Thanh, Phước Hòa, An Phú… Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh nhận định, người nuôi tôm trên địa bàn xã thua lỗ nặng trong thời gian gần đây là do dịch bệnh lây lan với mật độ cao, dồn dập hơn mà địa phương lẫn người nuôi đều không được trợ giúp để có thể ứng phó. Theo ông Bình, do sông Trường Giang ô nhiễm nặng, trong khi đó vùng nuôi chưa được được đầu tư đồng bộ. “Rất khó để các nông hộ nuôi ở quy mô nhỏ tiếp cận được nguồn giống chất lượng cao nên con giống cứ còi cọc, hao hụt đầu con.
Trong khi đầu vào không ổn định thì giá cả, vật tư phục vụ quá trình nuôi tôm ngày càng tăng cao. Điều cần thiết nhất là người nuôi tiếp cận được vốn vay để nâng cấp cả hệ thống nuôi” - ông Bình nói. Còn ông Trần Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng thì cho rằng do vòng đời của tôm thẻ chân trắng quá ngắn (tối đa 3 tháng), quá trình sinh trưởng diễn ra nhanh nên tôm rất yếu sức đề kháng, không thể miễn dịch được khi môi trường nước biến động đột ngột. Trong khi đó, quy trình nuôi của các nông hộ trên địa bàn lại rất lạc hậu. Do không được tập huấn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất tiên tiến nên nhiều khi các nông hộ không biết ứng biến thế nào khi tôm bị “sốc”, bị bệnh và nguy hiểm hơn là dịch bệnh xảy ra tràn lan. Do vậy, người nuôi tôm trên địa bàn rất cần được ngành chức năng giúp trang bị các kỹ năng cơ bản để phòng và chống dịch bệnh xảy ra trên tôm nuôi.
Kiện toàn vùng nuôi
Trong “bức tranh” ảm đạm của nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn TP.Tam Kỳ trong mấy năm qua, vẫn có thể tìm thấy điểm sáng. Với 2 vụ nuôi/năm, trong 2 năm 2012 - 2013, gia đình ông Đỗ Văn Lãnh (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) thu được hàng trăm triệu đồng. Tại hội thảo, ông Lãnh đề xuất, muốn nuôi tôm nước lợ thành công đòi hỏi phải đáp ứng tổng thể các điều kiện: con giống tốt thì mới có thể sinh trưởng nhanh; nguồn nước đảm bảo thì tôm mới có điều kiện phát triển tốt; quy trình nuôi khoa học sẽ khống chế bệnh xảy ra trên tôm và cả một chút… may mắn nữa.
“May mắn của tôi là nuôi tôm bằng nguồn nước sông Tam Kỳ chứ không phải sông Trường Giang bị ô nhiễm nặng. Nuôi tôm ở phường An Phú cũng thuận lợi do… mới bắt đầu. Tôi chia sẻ kinh nghiệm là các hộ nuôi nên “trích” 40% quỹ đất của mình để xây ao chứa lắng chứ không nên đầu tư trọn quỹ đất để nuôi hết. Đề xuất thành phố quy hoạch lại vùng nuôi; đầu tư giao thông nội đồng, bố trí điện lưới; xây kênh cấp thoát nước, hoàn thiện thủy lợi; kiểm soát tôm giống, thức ăn, thuốc hiệu quả hơn và nhất là cắt cử cán bộ chuyên trách thủy sản cho các xã, phường và tập huấn trang bị kỹ thuật cho nông hộ để người dân sản xuất tuân thủ lịch mùa vụ và hoàn thiện quy trình nuôi” - ông Lãnh nói.
Ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ khẳng định, từ việc rà soát, đánh giá hiện trạng các vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn thành phố cũng như xét nghiệm các mẫu nước lấy từ sông Trường Giang, công tác quy hoạch sẽ được triển khai đồng bộ, quyết liệt trong thời gian đến.
Quy hoạch sẽ chú trọng và đảm bảo được các yếu tố: hạ tầng vùng nuôi; thủy lợi; xử lý nước thải; con giống, thức ăn, thuốc thủy sản; lịch mùa vụ; khoa học - kỹ thuật; cán bộ chuyên trách thủy sản; xây dựng tổ quản lý cộng đồng và quy chế hoạt động. Ông Hưng cho biết, với các điều kiện thổ nhưỡng đặc thù, không thể có con vật nuôi nào hay cây trồng nào có thể thay thế được “vị thế” của con tôm thẻ chân trắng trên cánh đồng vốn chỉ dành riêng cho nuôi tôm. Để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng hàng hóa, thành phố đã xác định nuôi tôm nước lợ là kinh tế mũi nhọn.
“Để phát triển nuôi tôm bền vững, việc quy hoạch lại nghề nuôi tôm nước lợ của thành phố sẽ khớp nối với các quy hoạch riêng và chung. Đó là quy hoạch ngành thủy sản của tỉnh, quy hoạch của Khu Kinh tế mở Chu Lai, quy hoạch chung của TP.Tam Kỳ, quy hoạch nông thôn mới các địa phương ven biển của thành phố. Ngoài ra, thành phố cũng đề xuất với UBND tỉnh có cơ chế liên vùng trong nuôi tôm nước lợ với huyện Thăng Bình và Núi Thành, hạn chế chất thải chưa qua xử lý ra sông Trường Giang từ hoạt động nuôi tôm trên cát trong khi chờ sông Trường Giang được nạo vét” - ông Hưng nói.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ