Mô hình kinh tế Tình Hình Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi 10 Tháng Đầu Năm 2013

Tình Hình Dịch Bệnh Trên Tôm Nuôi 10 Tháng Đầu Năm 2013

Ngày đăng 16/11/2013

Từ giữa tháng 8/2013, Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương (TW), đến đầu tháng 10, kết quả kiểm tra cho thấy tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản quan trọng, đặc biệt là tôm nuôi nước lợ tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2012, nhưng vẫn còn xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại ở nhiều địa phương.

Có 4 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên là công tác quy hoạch của một số địa phương còn kém, việc chuyển đổi mô hình và đối tượng nuôi thủy sản còn mang tính tự phát khiến cho hệ thống cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu; một số địa phương chưa có kế hoạch cụ thể về phòng chống dịch bệnh; ý thức phòng chống dịch của người nuôi còn hạn chế; chưa huy động được lực lượng cán bộ làm công tác thú y đến tận cấp xã.

Theo Cục Thú y, trong 10 tháng đầu năm 2013 dịch bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm đã xuất hiện tại 192 xã của 57 huyện thuộc 18 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh là 5.705 ha (bằng 53,6% so với cùng kỳ năm 2012), gồm 2.423 ha nuôi tôm thẻ chân trắng và 3.238 ha nuôi tôm sú. So với 10 tháng đầu năm 2012, bệnh hoại tử gan tụy cấp diễn ra trên tôm tại nhiều địa phương hơn, nhưng diện tích bị bệnh lại thấp hơn, ước tính chỉ bằng 1/5 so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, bệnh đốm trắng trên tôm lại tăng cả diện tích lẫn số địa phương có dịch.

Trong những nguyên nhân cần được khắc phục ngay, hầu hết các ý kiến đều tập trung vào vấn đề quản lý chất lượng tôm giống. Theo đó, quá trình quản lý, kiểm dịch tôm giống hiện nay còn nhiều bất cập. Công tác quản lý, kiểm dịch giống là nhiệm vụ của Chi cục Nuôi trồng thủy sản, nhưng nếu dịch bệnh xảy ra, chi cục Thú y lại là đơn vị chịu trách nhiệm xử lý.

Hiện nay, dịch vụ thú y thủy sản còn yếu, hệ thống thú y thủy sản chưa đồng bộ. Vẫn còn một số chồng chéo về quản lý giữa thú y và thủy sản, đồng thời, thiếu trang thiết bị trong các phòng thí nghiệm phục vụ chẩn đoán bệnh thủy sản. Các phòng thử nghiệm tại các Chi cục chỉ có khả năng xét nghiệm các loại dịch bệnh thông thường. Các phòng thử nghiệm thuộc Cục Thú y mặc dù có đủ năng lực chẩn đoán hầu hết các bệnh thủy sản quan trọng, bằng các kỹ thuật hiện đại như ELISA, PCR … song chưa được khai thác hiệu quả. Theo Cục Thú y, hiện nay cả nước có 25 tỉnh/thành trên cả nước có Phòng thử nghiệm nông nghiệp đang hoạt động, nhưng mới có 13 phòng thử nghiệm được công nhận, và số lượng chỉ tiêu bệnh xét nghiệm được vẫn còn hạn chế. Tại Cà Mau, nơi có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước, sau gần 2 năm thực hiện Đề án thí điểm xét nghiệm tôm miễn phí cho hộ nghèo, cận nghèo, kết quả chỉ nhận được 3 mẫu tôm của 3 người dân đến xét nghiệm với tổng chi phí trên 1,4 triệu đồng.

Để đảm bảo lợi ích cho người nuôi tôm trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương cần nhanh chóng xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản hàng năm; thanh - kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư thuốc thú y nông nghiệp để đảm bảo kiểm soát chất lượng thủy sản theo chuỗi giá trị sản xuất; hướng dẫn người nuôi sử dụng thuốc thú y và chế phẩm, hóa chất có hiệu quả. Các địa phương cần vận động người nuôi tuân thủ lịch mùa vụ và triển khai áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Trong nuôi trồng thủy sản, chất lượng môi trường nước vùng nuôi rất quan trọng nên cần triển khai tốt công tác quan trắc, xử lý môi trường, đảm bảo chất lượng nguồn nước tại vùng nuôi. Đồng thời, tăng cường năng lực chẩn đoán, xét nghiệm, xây dựng bản đồ dịch tễ. Thông tin tuyên truyền thường xuyên để nâng cao nhận thức các hộ nuôi …


Có thể bạn quan tâm

nuoi-ca-tam-o-da-mi Nuôi Cá Tầm Ở Đa… nuoi-tom-cang-xanh-luan-canh-lai-100-trieu-dong-nam Nuôi Tôm Càng Xanh Luân…