Mô hình kinh tế Tôm Chết Hàng Loạt Do Tồn Dư Chất Bảo Vệ Thực Vật

Tôm Chết Hàng Loạt Do Tồn Dư Chất Bảo Vệ Thực Vật

Ngày đăng 31/05/2012

Theo kết quả kiểm tra, phân tích của Tổng cục Thủy sản vừa gửi về thì tình trạng tôm nuôi bị chết hàng loạt tại tỉnh Phú Yên gần đây là do tồn dư các chất bảo vệ thực vật Cypermethrin, Deltamethrin trong môi trường nước.

Ngày 29.5, ông Nguyễn Tri Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Phú Yên cho biết: Các chất này từ kênh rạch theo nước vào hồ nuôi tôm hoặc có trong chất diệt tạp, là nguyên nhân chính làm teo gan và tụy của tôm. Sau đó nhiều hồ nuôi lại xả nước thải ra ngoài, làm lây nhiễm nguồn bệnh cho môi trường xung quanh.

Được biết, từ đầu vụ tôm đến nay, Phú Yên có hơn 780ha tôm bị dịch bệnh. Trong đó, tại vùng nuôi tôm hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), diện tích tôm bị dịch bệnh gây mất trắng hoặc phải thu hoạch non chiếm đến 90%. Phần lớn hộ nuôi tôm thua lỗ, hộ nhiều thì lỗ vài ba trăm triệu đồng, ít cũng mất 5-7 chục triệu đồng.

Những ngày gần đây, tôm thẻ chân trắng nuôi ở các huyện Núi Thành, Thăng Bình, TP.Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) bỗng dưng chết hàng loạt. Diện tích tôm chết lên đến 50ha. Tình trạng này làm cho nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay. Ngày 29.5, một chủ hồ nuôi tôm ở xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ, cho hay, ông nuôi 3 hồ tôm với diện tích 1ha. Trong đó, một hồ rộng 2 sào, ông vừa mới trải bạt thả 10 vạn tôm thẻ chân trắng nuôi thử vụ đầu. Nuôi trên 30 ngày, bỗng dưng tôm chết nổi trắng hồ không rõ nguyên nhân. Chưa thu hoạch đã lỗ gần 20 triệu rồi. Theo nhiều chủ hồ nuôi tôm, nuôi tôm thẻ chân trắng vụ này rất khó vì nắng nóng, mưa dông liên tục, nhiệt độ thay đổi thất thường, tôm không sống nổi.

Có thể bạn quan tâm

de-phong-benh-la-xuat-hien-tren-tom-nuoi-o-ninh-thuan Đề Phòng Bệnh Lạ Xuất… gl101-giong-lua-cuc-ngan-ngay GL101- Giống Lúa Cực Ngắn…