Tôm - lúa đạt chứng nhận VietGAP
Ngày 24/7, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang đã trao chứng nhận VietGAP cho sản phẩm tôm sú của Tổ hợp tác nuôi tôm - lúa tại ấp Thái Hòa, xã Nam Thái A, huyện An Biên.
Mô hình luân canh tôm - lúa theo VietGAP giúp nông dân tăng thu nhập do đạt năng suất cao
Tổ hợp tác nuôi tôm - lúa có 4 hộ nông dân tham gia, tổng diện tích 8ha, sản lượng tôm sú cung ứng ra thị trường hàng năm đạt khoảng 8 tấn. Đây là những hộ nông dân đã tham gia mô hình luân canh tôm – lúa (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) theo VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang triển khai tại địa phương từ năm 2016, với sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức GIZ (Chính phủ Úc và Đức tài trợ), thuộc chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP).
Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ hộ nông dân tham gia mô hình vừa có vụ tôm nuôi thắng lợi, phấn khởi chia sẻ: “Từ đầu vụ tôm đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được trên 700 kg, cỡ tôm đạt từ 17 - 27 con/kg, tổng doanh thu trên 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 200 triệu đồng/2ha. Hiện trong ao nuôi ước còn khoảng 300 - 400kg tôm thương phẩm nữa, sẽ tiến hành thu hoạch dứt điểm để đến cuối tháng 8 sẽ chuyển qua gieo cấy vụ lúa”.
Theo ông Ngọc, để thực hiện mô hình này, nông dân phải có diện tích từ 2ha trở lên, vì phải thiết kế lại vuông nuôi thành các khu ao lắng, ao vèo, ao nuôi… Môi trường phải được xử lý kỹ (xới mặt ruộng, xả bỏ nước…), rải vôi bột cả trên bờ và mặt ruộng (khoảng 500 kg/ha), diệt khuẩn bằng Iodine… Khi thấy nước đạt chất lượng mới cấp vào ao vèo và ao nuôi. Tôm giống nhập về được ương trong ao vèo 1 tháng, đạt trọng lượng khoảng 1.200 con/kg, dùng lú dày đặt để sang ra nuôi diện rộng. Trong quá trình nuôi, bổ sung thức ăn cho tôm theo quy trình, đảm bảo tôm phát triển tốt.
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, tham gia mô hình nông dân được tập huấn kỹ thuật gồm thiết kế lại ao nuôi, kỹ thuật nuôi tôm sú và canh tác lúa theo VietGAP, thiết lập, lữ trữ hồ sơ, sổ nhật ký ghi chép… Đồng thời được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư nâng cấp, cải tạo công trình; hỗ trợ 100% chi phí mua tôm giống và lúa giống; 30% chi phí thức ăn nuôi tôm, hóa chất và chế phẩm sinh học, phân bón cho lúa…
“Vụ lúa triển khai từ cuối năm 2016, nhưng do thời tiết bất lợi (đợt nắng hạn lịch sử, không có nước ngọt rửa mặn nền đất) gây khó khăn cho việc xuống giống. Sau khi gieo cấy lại gặp mưa bão liên tục, gây ngập úng, lúa chết nhiều nên không hiệu quả. Nhưng đến vụ tôm năm nay thì đã gắt hái thành công, năng suất tôm thu hoạch trung bình đạt hơn 500 kg/ha, trong khi trung bình của là 215kg, còn huyện An Biên là 180 kg/ha. Hiện các hộ nông dân này đang thu hoạch dứt điểm vụ tôm nuôi nước lợ 2017, chuẩn bị rửa mặn để lấp lại vụ lúa”, ông Toản đánh giá về mô hình.
Các thành viên Tổ hợp tác nuôi tôm - lúa tại ấp Thái Hòa được trao chứng nhận VietGAP cho sản phẩm tôm sú
Theo các hộ nông dân tham gia mô hình, nhờ ao nuôi được thiết kế theo đúng quy trình kỹ thuật nên hạn chế được rủi ro. Nguồn nước được xử lý trong ao lắng và có khu chứa để cấp bổ sung trong quá trình nuôi (không lấy trực tiếp từ kênh rạch). Tôm giống được cung cấp từ các cơ sở có uy tín, được kiểm dịch trước khi thả nuôi. Nuôi 2 giai đoạn gồm ương vèo khoảng 1 tháng, sau đó mới thả nuôi trên diện rộng nên giảm được lượng tôm giống hao hụt. Và việc cho tôm ăn bổ sung thức ăn công nghiệp ngay từ đầu giúp tôm phát triển tốt, đạt đầu con và trọng lượng.
“Chúng tôi đã phấn đấu thực hiện và sản phẩm của tổ hợp tác đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, hiện giá tôm nguyên liệu bán ra chưa có sự cải thiện tốt hơn so với tôm sản xuất thông thường nên chưa nâng cao được giá trị, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế”, bà Lê Thị Ngọc Lợi, tổ viên vừa nhận được chứng nhận VietGAP trăn trở.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ