Tôm Sú Đang Trở Lại “Ngôi Vương”
Giá tôm thẻ chân trắng không ổn định, xuống thấp như hiện nay, nhiều hộ dân nuôi tôm ở Cà Mau đang chuyển sang nuôi tôm sú truyền thống. Từ đó, diện tích nuôi tôm sú đang tăng trở lại sau một thời gian bị tôm thẻ chân trắng thống trị hơn 80% diện tích nuôi công nghiệp.
Sức hút từ thế mạnh của tôm thẻ chân trắng về thời gian nuôi ngắn, năng suất cao, môi trường ao nuôi dễ kiểm soát hơn tôm sú đã lôi cuốn người nuôi tôm công nghiệp (NTCN) đầu tư ồ ạt nuôi đối tượng này. Nhưng sự thiếu ổn định về giá đã thay đổi cách nhìn, hướng đi của người nuôi tôm ở Cà Mau khi thu nhập đang bấp bênh từ tôm thẻ chân trắng cùng nhiều nguyên nhân khác.
Đúng hướng
Khi quay lại đối tượng tôm sú thì người nuôi tôm đang hoạch định 2 hướng nuôi sao cho phù hợp với nguồn vốn và lợi nhuận hiện tại. Một là nuôi với mật độ dày (25-30 con/m2), một là nuôi với mật độ thưa (10-15 con/m2).
Ở mật độ nuôi này đa số là những hộ nuôi mới không thành công với tôm thẻ, trình độ kỹ thuật còn thiếu, yếu và các điều kiện phát triển nuôi tôm thẻ còn hạn chế. Vì thế, họ chuyển sang nuôi tôm sú là một cách chuyển đổi đúng hướng.
Ông Lê Văn Gần, ấp Tân Thành, xã Phú Tân, huyện Phú Tân đang vật lộn với 2 ao tôm nuôi thẻ chân trắng đang ở kích cỡ thu hoạch bởi tình hình giá tôm thẻ chân trắng ở mức 75.00-80.000 đồng/kg. Ông cho biết: “Tôi cũng như nhiều người dân trong ấp còn đang nuôi mong ao tôm lấy lại được vốn.
Còn vụ nuôi tiếp, đa số đều chọn tôm sú, thả với mật độ 30.000 con/ao 2.500 m2. Với mật độ này chỉ chạy quạt cầm chừng và cho ăn dặm sẽ ổn định, an tâm hơn và cho thu nhập khá hơn tôm thẻ hiện nay”.
Nhiều nông dân nuôi tôm thẻ qua 2-3 vụ nhận định, nuôi tôm thẻ chân trắng chi phí cho men vi sinh, thuốc bổ sung tăng đề kháng cho tôm, thuốc xử lý khí độc… đều tăng cao, nhưng hiệu quả thì không tăng mà theo chiều hướng ngược lại ở những ao nuôi bị dịch bệnh. Lại đang vào cao điểm mùa mưa, việc giảm độ mặn thì con sú sẽ chiếm ưu thế, sinh trưởng mạnh hơn, cho hiệu quả cao hơn.
Hợp tác xã (HTX) NTCN Hoàng Mỹ, xã Hoà Mỹ là một trong những HTX nuôi tôm thành công trong tỉnh. Với 98 ao, vụ trước nuôi tôm thẻ chân trắng khoảng 80% số ao thì hiện nay thả tôm sú 100%. Ông Phạm Văn Hoàng, Chủ nhiệm HTX, cho biết, khi thẻ chân trắng giảm giá liên tục, thu nhập từ nuôi thẻ không ổn định nên tất cả xã viên đều quay trở lại nuôi sú.
Giảm áp lực
Ông Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Nước, cho biết, hiện nay diện tích thả sú công nghiệp của huyện chiếm 35% trong 800 ha đang nuôi. Ngành điện cũng đã hỗ trợ lắp đặt thêm 80 bình biến áp phục vụ người dân. Theo đó, bài toán quản lý môi trường vùng nuôi sẽ được thắt chặt hơn sau vụ nuôi.
Ðể nâng cao tính hiệu quả của mô hình này, ngành NN&PTNT đang triển khai các lớp chuyển giao kỹ thuật tại hiện trường cho người dân trên mô hình nuôi tôm sú mật độ 10-15 con/m2. Ở loại hình nuôi này, các yêu cầu về điện chạy quạt ít, chi phí thức ăn ít, các loại men vi sinh, thuốc, hoá chất sử dụng ít hơn…
Khi nuôi theo hình thức này thì thời gian nuôi rút ngắn lại do mật độ thưa, tôm mau lớn, ít xảy ra dịch bệnh, nhất là trước tình hình dịch bệnh như hiện nay. Cùng đích đến là lợi nhuận cao khi tôm sú loại 30 con/kg giá trên 200.000 đồng, vẫn bảo đảm lợi nhuận cao.
Ða số người NTCN, ngành NN&PTNT cùng chung nhận định là hiệu quả của nuôi tôm sú ở mật độ thưa như trên là một hướng đi đúng, nhất là độ mặn khi vào mùa mưa ngày càng giảm. Ở mật độ thưa, khi nuôi trong khoảng thời gian dài thì việc quản lý môi trường ao nuôi sẽ ổn định và bền vững hơn.
Từ đó, góp phần đẩy lùi dịch bệnh trên tôm đang xảy ra trên diện rộng. Ngoài ra còn góp phần giảm áp lực, cải thiện môi trường vùng nuôi, cân bằng và ổn định sản lượng giữa tôm sú, tôm thẻ cho các nhà máy chế biến thuỷ sản.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ