Thống kê thủy sản Tổng quan thị trường thủy sản 7 tháng đầu năm 2020

Tổng quan thị trường thủy sản 7 tháng đầu năm 2020

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 27/08/2020

Giá cá tra liên tục đứng ở mức thấp từ đầu năm 2020 tới nay; giảm 45% so với cùng kỳ năm 2019, giá tôm vẫn duy trì mức tốt do nhu cầu tăng.

Cá tra

Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL liên tục đứng ở mức thấp từ đầu năm 2020 tới nay; hiện nay giá 17.500 – 18.000 đ/kg đối với loại 700-800 g/con, giảm 45% so với cùng thời điểm năm 2019, trong khi giá thành sản xuất từ 21.000 - 22.000 đồng/kg. Nguyên nhân do diện tích thả nuôi tăng nhanh, trong khi đầu ra gặp khó khăn bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Cộng với sự cạnh tranh của những quốc gia khác tăng cường nuôi cá tra trong mấy năm gần đây. Những thị trường chính của cá tra là Trung Quốc, Mỹ, châu Âu đang gặp khó khăn vì dịch bệnh, một số cảng Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu các lô hàng thủy sản vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh; nhiều siêu thị ở phía Bắc Trung Quốc vẫn chưa bán lại như trước. Điều này đã tác động giá xuất khẩu sang thị trường này. Xuất khẩu sang ASEAN và EU cũng giảm mạnh, lần lượt là 57,6% và 36,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tôm

Giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL vẫn duy trì mức tốt trong tháng 7/2020: Tôm chân trắng loại 100 con/kg giá 95.000 - 100.000 đồng, tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với cách đây 4 tháng. Tôm sú cỡ 30 con/kg giá 200.000 - 230.000 đồng, tăng 30.000 - 40.000 đồng/kg.

Nguyên nhân là tồn kho tại các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Mỹ không nhiều, nhu cầu tiêu thụ tôm tăng. Sản xuất tôm từ các nguồn cung chính của thế giới như Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… đều đang gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nên theo dự đoán khả năng nguồn cung các nước này sẽ giảm 20% trở lên, nguồn cung tại Trung Quốc cũng giảm do ảnh hưởng của virus DIV1.

Nguồn cung tại Ấn Độ cũng bị xáo trộn do lệnh phong tỏa kéo dài, khiến người nuôi ngần ngại thả nuôi. Nguồn cung tôm nguyên liệu tại Ecuador, Indonesia và Thái Lan cũng bị ảnh hưởng bởi Dịch Covid. Tại Việt Nam vẫn chủ động thả nuôi nên doanh nghiệp không lo thiếu nguyên liệu, xuất khẩu tôm của Việt Nam dự kiến vẫn tăng trong các tháng tới..

Cung, cầu

Sản lượng

Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3,86 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá 2,89 triệu tấn, tăng 1,1%; tôm 422.800 tấn, tăng 4%; thủy sản khác 550.700 tấn, tăng 2,5%. Sản lượng thủy sản nuôi trồng 1,98 triệu tấn, tăng 1,8%, bao gồm cá 1,42 triệu tấn, tăng 0,2%; tôm 347.300 tấn, tăng 5,5%; thủy sản khác 214.000 tấn, tăng 7,4%, sản lượng cá tra ước đạt 644.700 tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản khai thác 6 tháng đầu năm ước đạt 1,89 triệu tấn, tăng 1,4%, bao gồm cá 1,47 triệu tấn, tăng 2%; tôm 75.500 tấn, giảm 2,3%; thủy sản khác 336.700 tấn, giảm 0,4%. Sản lượng thủy sản khai thác biển đạt 1,81 triệu tấn, tăng 1,5%, trong đó cá 1,42 triệu tấn, tăng 2,1%; tôm 70.500 tấn, giảm 0,8%.

So với chỉ tiêu kế hoạch 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng đạt 99,1%; trong đó, sản lượng khai thác đạt 99,3%, sản lượng nuôi trồng đạt 98,9%. Còn so với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2020, tổng sản lượng thủy sản đạt 45,1%; trong đó, sản lượng khai thác đạt 48,4%, sản lượng nuôi trồng đạt 42,4%; Giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước 3,56 tỷ USD, bằng 91,4% cùng kỳ năm ngoái và đạt 35,6% kế hoạch .

6 tháng cuối năm, ngành thủy sản phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản trên 8,56 triệu tấn; trong đó, sản lượng khai thác 3,9 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng ước 4,66 triệu tấn (cá tra: 1,59 triệu tấn; tôm nước lợ: 888.000 tấn). Kim ngạch xuất khẩu 9 - 10 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2020 toàn vùng ĐBSCL dự kiến thả nuôi khoảng 6.600 ha cá tra, với sản lượng ước khoảng 1,42 triệu tấn. Diện tích tôm thả nuôi đến hết tháng 6 ước đạt 612.000 ha (bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2019, và đạt 84% so với kế hoạch năm 2020). Sản lượng tôm nuôi thương phẩm ước đạt 319.000 tấn (tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019).

Nhập khẩu

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu nhóm hàng thủy sản các loại về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 842,4 triệu USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 0,72% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa các loại của cả nước; trong đó riêng tháng 6/2020 đạt 143,42 triệu USD. tăng 0,5% so với tháng 5/2020, nhưng giảm 4,3% so với tháng 6/2019.

Xuất khẩu

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu thủy sản của cả nước thu về trên 3,6 tỷ USD, giảm 7,4% so với 6 tháng đầu năm 2019. Riêng tháng 6/2020 đạt 719,23 triệu USD, tăng 12,1% so với tháng 5/2020, nhưng giảm nhẹ 0,5% so với tháng 6/2019.

Các thị trường truyền thống vẫn là Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc; trong đó, xuất khẩu sang Nhật Bản đứng đầu về kim ngạch với 668,45 triệu USD, chiếm 18,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước, giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 653,62 triệu USD, chiếm 18,1%, tăng 0,5%. EU chiếm 14,6%, đạt 526,2 triệu USD, giảm 11,9%. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhẹ 1,1%, đạt 482,52 triệu USD, chiếm 13,4%. Thị trường Hàn Quốc chiếm 9,7%, đạt 350,76 triệu USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Dự báo

Từ quý 3/2020, tình hình xuất khẩu sang một số thị trường sẽ ổn dần, trong đó có các thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ, do đó xuất khẩu cá tra có khả năng phục hồi.

Mặc dù nhu cầu tôm có thể suy giảm, nhưng mức giảm vẫn thấp hơn so với nguồn cung, nên khả năng giá tôm tiếp tục duy trì ở mức tốt và xuất khẩu tôm tăng trưởng tốt trong tháng tới.

Dự kiến với đà tăng trưởng mạnh trong các tháng gần đây thì Nhật Bản sẽ tiếp tục là thị trường lớn nhất tiêu thụ thủy sản Việt Nam trong năm nay và sẽ bù đắp phần đáng kể cho sự sụt giảm tại các thị trường EU, Mỹ.

Xuất khẩu tôm dự báo có nhiều cơ hội xuất khẩu hậu COVID-19 khi các đối thủ chính như tôm Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan bị đình trệ bởi lệnh phong tỏa quốc gia, đơn hàng dịch chuyển sang Việt Nam sẽ nhiều hơn. Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực sẽ giúp ngành tôm Việt cạnh tranh tốt hơn ở Châu Âu, cùng với đó là thuế xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ thấp.

Xuất khẩu thủy sản đông lạnh, đóng hộp, ướp và hun khói có triển vọng tăng trưởng tốt, xu hướng giao dịch điện tử, bán lẻ online sẽ bù đắp một phần cho sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường.


Có thể bạn quan tâm

gia-tom-nguyen-lieu-tang-tro-lai Giá tôm nguyên liệu tăng… san-pham-tom-nhap-khau-cua-han-quoc-t1-t6-2018-theo-khoi-luong Sản phẩm tôm nhập khẩu…