Thống kê chăn nuôi Tổng quan về diễn biến thị trường thịt lợn toàn cầu năm 2020

Tổng quan về diễn biến thị trường thịt lợn toàn cầu năm 2020

Tác giả Thủy Chung, ngày đăng 02/04/2021

Mặc dù sản lượng thịt lợn trên thế  giới năm 2020 giảm, nhưng xuất khẩu thịt lợn đã tăng mạnh trong năm thứ hai liên tiếp.

Theo Báo cáo tóm tắt của Tổ chức FAO về hoạt động sản xuất và thương mại của ngành thịt lợn toàn cầu năm 2020, sản lượng thịt lợn toàn cầu ước đạt 109,2 triệu tấn, giảm 0,8% so với năm 2019, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi - ASF bùng phát, làm sụt giảm sản lượng chủ yếu ở Trung Quốc, Philippines và Việt Nam. Tuy nhiên, sản lượng tăng nhẹ ở Mỹ, Brazil, Liên minh Châu Âu, Liên bang Nga, Canada, Mexico và Chile đã bù đắp phần nào sự sụt giảm sản xuất ở những nước khác. Sản lượng thịt lợn của Trung Quốc sau khi giảm 21% vào năm 2019, thì sang năm 2020 chỉ giảm nhẹ 3,3%, xuống còn 42 triệu tấn, chứng tỏ sự phục hồi nhanh sau dịch bệnh, hiện sản lượng đã đạt gần bằng 76% so với trước khi xảy ra dịch ASF bắt đầu vào năm 2018. Ngành chăn nuôi lợn tại Philippines và Việt Nam cũng gặp khó khăn do dịch bệnh ASF.

Sản lượng thịt lợn tăng ở Mỹ, Brazil, Liên bang Nga, Liên minh châu Âu và Canada. Giá lợn thịt trung bình giảm từ 2 290 USD/tấn vào năm 2019 xuống 2 209 USD/tấn vào năm 2020, tức giảm 3,6%.

Xuất khẩu thịt lợn của 4 thị trường lớn sang Trung Quốc năm 2015 - 2020

Tổng thương mại thịt lợn thế giới năm 2020 đạt 11,9 triệu tấn, tăng 24,5% so với năm 2019, do nhập khẩu của Trung Quốc tăng gần gấp đôi lên 5,7 triệu tấn, chiếm khoảng 50% lượng nhập khẩu toàn cầu. Do nhu cầu lớn nên Trung Quốc đã cấp giấy phép xuất khẩu cho nhiều nhà máy chế biến ở một số nước, trong đó có Brazil, Chile. Bên cạnh đó, Mexico, Việt Nam cũng tăng mạnh nhập khẩu, chứng tỏ sản lượng sụt giảm do ảnh hưởng của dịch ASF. Ngược lại, Hàn Quốc và Nhật Bản lại giảm nhập khẩu do giá cao và tiêu thụ tại các nhà hàng chậm.

Về xuất khẩu thịt lợn, phần lớn xuất khẩu tăng từ Liên minh Châu Âu, Mỹ, Canada và Brazil, do lượng lợn nhiều và tiêu thụ nội địa giảm; trong đó, Mỹ xuất khẩu 900.000 tấn sang Trung Quốc, tương đương khoảng 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; Brazil xuất khẩu 1,3 triệu tấn, tăng 34%, trong đó gần 2/3 lượng hàng được xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc lớn, tác động đến sự tăng trưởng xuất khẩu từ Mexico và Chile. Bất chấp sự ảnh hưởng của dịch ASF, xuất khẩu sang thị trường châu Á, Liên minh châu Âu năm 2020 vẫn tăng trưởng 27%. Tại Canada, sản lượng lợn tăng cao, do đó chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ khẩn cấp để đẩy mạnh xuất khẩu. Xuất khẩu thịt lợn của Liên bang Nga cũng tăng 101% và Nga trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng trên toàn cầu, với hầu hết lượng hàng được xuất khẩu sang Việt Nam theo Hiệp định thương mại được ký kết vào năm 2019.


Có thể bạn quan tâm

tong-quan-gia-thit-lon-tai-nga-va-nhung-anh-huong-cua-dich-asf Tổng quan giá thịt lợn… gia-lon-hoi-ngay-24-3-2021-bien-dong-nhe Giá lợn hơi ngày 24/3/2021…