Mô hình kinh tế TPP Đòn bẩy trong tái cơ cấu nông nghiệp

TPP Đòn bẩy trong tái cơ cấu nông nghiệp

Ngày đăng 12/10/2015

Phát biểu tại cuộc họp báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) chiều 6.10, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh, sau khi gia nhập TPP, ngành nông nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội lớn với thị trường 600 triệu dân, đóng góp 40% GDP thế giới và chiếm 20% giao dịch thương mại toàn cầu.

Hưởng lợi từ miễn giảm thuế

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, 12 quốc gia tham gia TPP có trình độ phát triển khác nhau.

Có thể nói, Việt Nam có trình độ đi sau so với 11 quốc gia còn lại, nhưng lại có lợi thế khi nhiều thành viên TPP là những thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam.

Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng lại hay thay đổi.

 

Thứ trưởng Hà Công Tuấn phát biểu tại buổi họp báo.

Chẳng hạn, thị trường Trung Quốc đang nhập khẩu chiếm tới 35% tổng giá trị gạo Việt Nam xuất khẩu, cao su chiếm 48%, các mặt hàng rau quả chiếm tới 64% hay gỗ chiếm hơn 13,2%...

Đây cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu nhiều phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, chiếm tới trên 62% tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm đầu vào cho nông nghiệp.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, đây là bạn hàng lớn nhưng chính sách của thị trường này đòi hỏi Việt Nam luôn phải linh hoạt.

Mở ra thị trường mới rộng lớn trong khuôn khổ TPP, Việt Nam có thể điều chỉnh linh hoạt hơn, tốt hơn cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng như nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản sẽ được giảm thuế dần về 0%, và một thời gian ngắn sau đó toàn bộ các mặt hàng sẽ còn 0%.

Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia xuất khẩu nông sản khác như Ấn Độ, Trung Quốc và Thái Lan, đặc biệt là các mặt hàng như thủy sản và đồ gỗ, Thứ trưởng Hà Công Tuấn lưu ý.

Đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chiếm tới 39% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản cũng chiếm 19%...

Về thủy sản, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ 19% tổng kim ngạch xuất khẩu, Nhật Bản 16%... Như vậy lợi thế Việt Nam là rất lớn so với các nước có cùng điều kiện sản xuất.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhận định, khi thông thương sẽ thu hút được vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng ưu đãi thuế suất 0%.

Đây là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với trọng tâm tái cấu trúc là đưa công nghệ mới, quản lý mới vào phát triển nông nghiệp.

Yếu thế quy mô nhỏ

Tuy vậy, theo Thứ trưởng, nông nghiệp Việt Nam cũng có những thách thức khi mà nền sản xuất chủ yếu còn mang hơi hướng của nền sản xuất nhỏ, quy mô chủ yếu là hộ gia đình.

Trong nông nghiệp có khoảng 3.500 doanh nghiệp, chiếm 1,01% tổng số doanh nghiệp cả nước, và hầu hết là doanh nghiệp nhỏ.

Các doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 65% nên rất khó trong cạnh tranh.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, sản xuất quy mô nhỏ, công nghệ còn kém khiến các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi mở cửa thị trường.

Ngoài ra, Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn về tiêu thụ một số mặt hàng nếu vẫn duy trì cách quản lý, chất lượng sản phẩm như hiện nay, chẳng hạn như chăn nuôi theo hộ gia đình.

“Cơ hội có nhiều nhưng thách thức cũng lớn. Nếu doanh nghiệp không chuyển đổi, không linh hoạt sẽ phá sản,” Thứ trưởng lo ngại.

Coi TPP là ‘liều thuốc thử’

“Nếu coi TPP là ‘liều thuốc thử’ cho tái cơ cấu nông nghiệp mà cả guồng máy quản lý, nông dân và doanh nghiệp không cải cách trong bộ máy, hệ thống quản lý thì sẽ dễ thua trên sân nhà”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá.

Chia sẻ quan điểm này, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, ngành chăn nuôi Việt Nam có nhiều yếu thế khi tham gia TPP bởi trình độ của các thành viên TPP khác như Canada, Australia, Mỹ phát triển hơn Việt Nam rất nhiều.

Việt Nam cần học hỏi công nghệ chăn nuôi từ các nước thành viên TPP khác để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Theo ông Dương, Cục Chăn nuôi cũng đã nhận biết được tình hình và đang đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi sản phẩm, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, sau doanh nghiệp là các hợp tác xã, hộ chăn nuôi.

Việc liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo làm sao sản phẩm chăn nuôi Việt Nam trước hết phải sạch, an toàn, chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người Việt Nam.

Việt Nam cũng có niềm tin vào thị hiếu, thói quen sử dụng sản phẩm trong nước, không sử dụng các sản phẩm đông lạnh của người dân trong nước.

Nếu tổ chức sản xuất tốt ngành chăn nuôi có thể vượt qua được thách thức trên. Bên cạnh đó, ông Dương gợi ý, Việt Nam có thể phát huy những lợi thế như gà vườn, chăn nuôi vịt...

Lợn Việt Nam đang chiếm thứ 4 thế giới về đầu con, thứ 6 về sản lượng; vịt đứng thứ 2 thế giới về đầu con và sản lượng.

Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng lưu ý, cần phải hạn chế nhập khẩu đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi bằng cách chuyển đổi một phần diện tích trồng cây lương thực giá trị thấp sang trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Tập trung cao độ sản xuất các loại thức ăn bổ sung để giảm giá thành sản xuất chăn nuôi.

Ông Dương phân tích: Tại Mỹ, giá thành sản xuất thịt lợn khoảng 28.000 -32.000 đồng/kg, còn ở Việt Nam, giá đang trên 40.000 đồng/kg, vì thế cần phấn đấu giảm giá thành sản xuất chăn nuôi đứng ở mức trung bình của 12 nước tham gia TPP.

Bên cạnh những thách thức, ông Dương cho biết, các nước trong khối TPP có công nghệ chăn nuôi tiên tiến, giống tốt, do đó Việt Nam sẽ có cơ hội đưa những công nghệ này vào sản xuất trong nước và nhập giống mới để tăng tính cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững.


Có thể bạn quan tâm

tra-no-mua-che-tuoi-bang-tra Trả nợ mua chè tươi… chiem-nguong-lo-luyen-ga-quy-nghin-do-lon-nhat-mien-bac Chiêm ngưỡng lò luyện gà…