Mô hình kinh tế Trà Vinh tăng cường công tác thú y thủy sản

Trà Vinh tăng cường công tác thú y thủy sản

Ngày đăng 10/06/2015

Từ đầu năm đến nay, các vùng nước mặn, lợ trong tỉnh thả nuôi trên 1,44 tỷ con tôm sú giống, diện tích 17.901ha; trên 1,29 tỷ con tôm thẻ chân trắng, diện tích 2.403ha. Tuy nhiên, có 309,4 triệu con tôm sú giống và 330 triệu con tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại.

Theo ngành chuyên môn tỉnh, nguyên nhân tôm bị thiệt hại là do nhiễm virus đốm trắng, gan tụy, phân trắng... ngoài ra, nguyên nhân chính cũng là do công tác thú y thủy sản của các địa phương còn yếu kém, nhiều tồn tại, bất cập chưa được khắc phục dẫn đến tình trạng tôm đã thiệt hại khắc phục chậm so với yêu cầu.

Để phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang các nước, ông Phạm Minh Truyền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Ngày 17/11/2014, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có Chỉ thị số 9270/CT-BNN-TY về việc tăng cường công tác thú y thủy sản; Thông tư số 17/2014/TT-BNNPTNT ngày 20/6/2014 của Bộ NN-PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi; Công văn số 1730/BNN-TY ngày 3/6/2014 của Bộ NN-PTNT về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi.

Năm 2015, tỉnh sẽ tập trung phòng, chống bệnh trên tôm nuôi nước măn, lợ. Trên cơ sở đó, sẽ rà soát, nâng cấp các phòng thử nghiệm của địa phương đạt chuẩn theo quy định. Rà soát, chấn chỉnh công tác kiểm dịch thủy sản đối với cơ sở sản xuất giống thủy sản để làm cơ sở cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thủy sản giống lưu thông trong và ngoài tỉnh, giảm thiểu thủ tục, tránh gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân khi vận chuyển thủy sản giống đi tiêu thụ; xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án, kế hoạch giám sát dịch bệnh, quan trắc cảnh báo môi trường để chủ động phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; tổ chức thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản, sử dụng thuốc thú y để tránh các chất tồn dư, ảnh hưởng đến xuất khẩu sản phẩm thủy sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc kinh doanh, sử dụng thuốc thú y, hóa chất cải tạo môi trường thủy sản; phòng chống dịch bệnh; kiểm dịch thủy sản và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên lĩnh vực thú y thủy sản.

Trước thực trạng tôm nuôi bị thiệt hại, Sở NN-PTNT đang chỉ đạo ngành chuyên môn thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường, thu mẫu giáp xác ở các tuyến sông đầu nguồn đại diện cho vùng nuôi thủy sản, theo dõi tình hình thả nuôi, thu hoạch và hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh các đối tượng thủy sản, tiếp tục tăng cường cán bộ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn phòng trị bệnh trên tôm nuôi tại huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú. Tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với việc buôn bán, chất lượng tôm giống thả nuôi, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Cùng với đó, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương cần tiến hành thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn người nuôi không lạm dụng các loại thuốc thú y, hóa chất trong phòng trị bệnh và chỉ sử dụng thuốc thú y, hóa chất có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; ngừng sử dụng thuốc thú y thủy sản trước khi thu hoạch theo đúng chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn để tránh tồn dư hóa chất trong sản phẩm, ảnh hướng tới sức khỏe người tiêu dùng và xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm

day-manh-ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-trong-nuoi-trong-thuy-san Đẩy mạnh ứng dụng công… nhung-quy-tac-can-ghi-nho-de-co-vu-tom-thanh-cong Những quy tắc cần ghi…