Trái cây Việt khó xuất ngoại vì cước phí cao
Ngay cả các đường bay nội địa thì cước phí vận chuyển trái cây tươi cũng quá cao so với dự tính của các công ty muốn đưa hàng từ Nam ra Bắc và ngược lại.
Khó cạnh tranh
Sau khi xuất khẩu thành công sang thị trường Anh, Mỹ, ông Phùng Văn Hiền, giám đốc Công ty Trái cây nhiệt đới (Bến Tre) dự định sẽ đưa các mặt hàng trái cây tươi cao cấp đạt chuẩn Global GAP ra Hà Nội.
Khăn gói ra Hà Nội khảo sát, ông Hiền nhận được phản hồi khá tích cực từ các đối tác. Thế nhưng khi bắt tay xây dựng kế hoạch đưa hàng ra Bắc, ông Hiền bối rối vì cước phí vận chuyển bằng máy bay quá cao.
“Khách hàng của tôi là những cửa hàng thực phẩm cao cấp nên số lượng họ lấy mỗi lần không nhiều. Nhưng phía đơn vị vận chuyển báo giá cước phí lên đến gần 20.000 đồng/kg trái cây thì giá thành đội lên quá cao” - ông Hiền giải thích.
Sau khi cộng tất cả chi phí và gửi báo giá, ông Hiền nhận được trả lời từ một số đối tác cho biết mức giá đó quá cao, nên kế hoạch bán trái cây ra Bắc của ông phải tạm ngưng.
“Chúng tôi đang nghiên cứu thêm các kênh chuyển hàng bằng xe lạnh nhưng để trái cây tươi ngon, đặc biệt là chôm chôm, măng cụt... phải vận chuyển bằng máy bay mới đảm bảo yêu cầu” - ông Hiền cho hay.
Tương tự, ông Vương Đình Khoát, tổng giám đốc Công ty Hugo (TP.Hồ Chí Minh), cũng đau đầu với chi phí vận chuyển cho các lô hàng nhãn và thanh long xuất khẩu sang Mỹ.
Phía công ty dịch vụ hậu cần (logistics) vừa báo giá mới: mỗi ký trái cây tươi đi Mỹ phí vận chuyển là 3,4 - 3,6 USD.
Theo ông Khoát, dù giảm so với năm trước (4,5 - 4,8 USD/kg) nhưng chi phí vận chuyển vẫn chiếm phần quá lớn trong cơ cấu giá thành trái cây VN đến Mỹ. “Chỉ riêng cước máy bay đã chiếm tới 50% giá thành trái cây VN vào Mỹ” - ông Khoát than thở.
Vẫn theo ông Khoát, hàng trái cây VN xuất khẩu qua đường biển và hàng không phần lớn do các hãng nước ngoài kiểm soát giá nên họ áp giá nào doanh nghiệp cũng phải chịu.
Cụ thể, với đường hàng không các công ty xuất khẩu phải thông qua một đơn vị làm trung gian chuyên nhận hàng và đặt các chuyến bay. Thời gian qua dù giá dầu giảm mạnh nhưng giá vận chuyển không giảm tương ứng vì theo giải thích này do có thêm nhiều chi phí phát sinh.
GS. Nguyễn Quốc Vọng - chuyên gia quốc tế về nông nghiệp, hiện giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học RMIT (Úc) - cho rằng, không chỉ riêng xuất khẩu trái cây qua Mỹ mà với các thị trường khác, chi phí vận chuyển nói chung và chi phí vận chuyển bằng đường hàng không nói riêng cũng chiếm tỷ lệ rất cao trong giá thành của trái cây VN.
Ví dụ trái vải xuất đi Úc hồi tháng 6 vừa qua, ông Vọng chỉ ra rằng giá mua trái vải tại VN chỉ 20.000 đồng/kg (chiếm 12,7% giá thành), nhưng riêng cước máy bay từ VN đến Úc đã là 2,95 USD/kg (chiếm 42,2% giá thành).
Nếu tính các chi phí vận chuyển trong nội địa nữa thì cước phí chiếm tới 60% giá thành trái vải đến Úc. Chính vì cước phí quá cao đã khiến sức cạnh tranh của trái cây VN thấp hơn hẳn so với các quốc gia khác trong khu vực.
Ông Vương Đình Khoát cho rằng khách hàng tại Mỹ không chỉ mua trái cây từ một quốc gia mà mua từ nhiều nguồn như VN, Thái Lan, Đài Loan, Malaysia, Ấn Độ... rồi cung cấp cho các chuỗi bán lẻ tại Mỹ.
Do giá cung cấp cho các siêu thị ổn định nên họ sẽ chọn mua hàng từ các nước có giá cạnh tranh hơn như Thái Lan. “Nếu không giảm được cước vận chuyển thì rất khó đẩy mạnh xuất khẩu trái cây cao cấp bằng đường không” - ông Khoát nói.
Phí đắt vì ít chuyến bay
Giải thích về cước phí vận chuyển hàng không ở VN quá cao so với các nước trong khu vực, đại diện một số hãng hàng không, chuyên gia hàng không cho rằng do số lượng hãng hàng không có đường bay đến các sân bay quốc tế ở VN còn ít, tần suất thấp.
Việc vận chuyển hàng hóa theo đường hàng không hiện chủ yếu vẫn sử dụng khoang hàng còn trống trên các chuyến bay chở khách, chưa có nhiều máy bay chuyên dụng (freighter có thể chở đến 100 tấn hàng) để chuyên chở hàng hóa xuất khẩu.
Ông Đỗ Xuân Quang, Tổng giám đốc Công ty Vietjet Air Cargo, cho hay hiện có 48 hãng hàng không nước ngoài đang hoạt động tại VN trong khi Thái Lan có gần 120 hãng hàng không.
Chưa kể phần lớn các hãng này sử dụng loại máy bay có thân rộng, tần suất bay nhiều, giá cước rất cạnh tranh nên chi phí vận chuyển từ Thái Lan đi các nước sẽ rẻ hơn hàng hóa từ VN.
“Chẳng hạn đường bay từ Bangkok sang Dubai có 8 chuyến bay/ngày do nhiều hãng cùng khai thác trong đó còn có các chuyến bay freighter, trong khi VN chỉ có 2 chuyến/ngày. Do vậy khối lượng hàng hóa và giá cả cũng không thể cạnh tranh bằng” - ông Quang phân tích.
Chẳng hạn, một máy bay Airbus 320/321 sau khi chở hành lý của hành khách đi cùng chuyến bay chỉ còn chở được thêm 2-3 tấn hàng hóa, trong khi một máy bay freighter Boeing 747-400 có thể chở đến 100 tấn hàng hóa.
Ngay cả Vietnam Airlines cũng chưa đầu tư máy bay chuyên dụng để chở hàng hóa mà chỉ kết hợp vận chuyển trên các chuyến bay chở khách.
Đại diện Vietnam Airlines cho rằng chính sách xuyên suốt của hãng là ưu tiên cho việc chở khách và hành lý của khách trước, sau đó mới đến các đơn đặt hàng đã được ký hợp đồng.
Theo một chuyên gia hàng không, do đặc thù hàng nông sản, việc vận chuyển phải đầu tư trang thiết bị (hãng hàng không phải đầu tư mâm, thùng, bảo quản lạnh, đóng gói sản phẩm...), chi phí vận hành tốn kém nhưng giá vận chuyển lại thấp hơn nhiều so với một số mặt hàng như điện tử, giày dép, may mặc... nên không có nhiều hãng hàng không sẵn sàng tiếp nhận mặt hàng này từ VN.
Chưa kể cái khó khác là trái cây xuất khẩu số lượng không nhiều, hàng mang tính thời vụ là chủ yếu.
Tận dụng tối đa đường biển
Theo các công ty xuất khẩu, ngoại trừ một số loại trái cây bắt buộc phải đi bằng đường hàng không như chôm chôm hoặc hàng trái cây tươi cao cấp, họ đều phải tận dụng tối đa việc vận chuyển bằng đường biển.
Ông Vương Đình Khoát cho hay trong số hơn 20 tấn thanh long và nhãn đi Mỹ tuần này, ông chỉ đưa bằng đường hàng không một container bay (khoảng 2 tấn), còn lại vận chuyển bằng đường biển vì giá thành chênh lệch nhau rất nhiều.
Cước phí một container 40 feet từ VN đi Mỹ tốn khoảng 47 triệu đồng, tính ra trên 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên đi tàu thì chất lượng trái cây không cao bằng máy bay và mất đến 40 ngày mới tới nơi, trong khi đi máy bay chỉ mất một ngày.
Nhiều loại phí khác
Theo các doanh nghiệp làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, cước phí vận chuyển tại VN cao là do còn phải tính thêm một số chi phí khác.
Chẳng hạn, quy trình liên quan đến soi chiếu, đánh giá tiêu chuẩn/chất lượng sản phẩm... các mặt hàng nông sản được thực hiện rất phức tạp, theo những tiêu chuẩn quốc tế, do các tổ chức quốc tế đánh giá nên phát sinh nhiều chi phí.
Đặc biệt, VN chỉ còn một nhà máy chiếu xạ tại khu vực phía Nam hoạt động nên các loại hoa quả ở miền Bắc như vải, nhãn phải thêm công đoạn vận chuyển vào phía Nam để chiếu xạ rồi mới xuất khẩu.
Các doanh nghiệp này cũng cho rằng một số doanh nghiệp xuất khẩu thường khó được ký hợp đồng trực tiếp với Vietnam Airlines, mà phải thực hiện thông qua các trung gian làm giá cước bị đẩy lên cao.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ