Tin nông nghiệp Trái ngọt dưới tán rừng

Trái ngọt dưới tán rừng

Tác giả Anh Quốc, ngày đăng 28/09/2018

Mặc dù cách biển chưa đầy 300 m, quanh năm nước mặn nhưng nhiều hộ dân ở khu vực rừng phòng hộ thuộc ấp Đất Mới, xã Phong Điền đã thực hiện thành công mô hình trồng mãng cầu ta trên bờ vuông nuôi tôm, mỗi hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.

Vườn mãng cầu ta hơn 300 gốc của ông Mai Văn Tâm cho thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm.

Theo người dân, cây mãng cầu ta bắt đầu bén duyên với vùng đất nhiễm phèn, mặn này từ năm 2001. Lúc đầu chỉ có vài hộ trồng thử nghiệm nhưng kết quả mang lại khá bất ngờ, từ đó bà con bắt đầu mở rộng diện tích.

Ông Mai Văn Tâm, ấp Đất Mới, cho biết: "Khi tôi về đây, thấy đất bị nhiễm mặn, phèn, không biết trồng cây gì cho hiệu quả kinh tế, tôi thử nghiệm trồng nhiều loại cây, trong đó có cây mãng cầu. Trồng được khoảng 2, 3 năm thì thấy cây mãng cầu chịu được độ mặn và hạn ở vùng này. Trái mãng cầu đem ra thị trường tiêu thụ được người dân rất thích, mãng cầu ở vùng nước mặn này ăn rất ngon. Từ đó, tôi nhân rộng, lúc đầu trồng có 30 cây, đến bây giờ trên 300 cây".

Ông Trần Văn Bính, ấp Đất Mới, cho biết thêm: "Đầu tiên tôi chỉ trồng 2 cây để gia đình ăn, thấy có nhiều trái và rất ngọt. Từ đó, tôi phát triển và trồng đại trà. Hiện tại tôi có mấy trăm cây. Các con, cháu, bà con cũng trồng theo nên hiện nay khu vực xung quanh đây có khoảng vài ngàn cây mãng cầu. Năng suất rất ổn định, giá lại cao, loại nhất khoảng 60.000 đồng/kg, loại vừa thì 50.000 đồng/kg".

So với các loại cây ăn trái khác, mãng cầu ta có thời gian thu hoạch khá dài, từ tháng 6-12 âm lịch hằng năm. Nếu chăm sóc tốt, trung bình mỗi cây có thể cho thu hoạch từ 40-50 kg/năm. Người tiêu dùng rất ưa chuộng vì mãng cầu có độ ngọt thanh và không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Đến nay, xã Phong Điền có hơn 10 hộ thực hiện mô hình trồng mãng cầu ta trên bờ vuông nuôi tôm, chủ yếu tập trung ở 2 ấp: Đất Mới và Đất Biển. Nhờ trồng mãng cầu ta kết hợp với các loại hoa màu mà đời sống người dân ngày càng phát triển, nhiều hộ có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.

Bí thư Chi bộ ấp Đất Mới Lê Văn Phương đánh giá: "Hộ này trồng, hộ khác tiếp theo, hằng năm số lượng cây mãng cầu tăng lên. Đây là nhờ sự tác động, vận động của chính quyền địa phương cũng như các ngành, đoàn thể, vận động bà con trồng các loại cây phù hợp trên các bờ vuông để giảm nghèo".

Hiện tại, bà con còn trồng thêm các loại cây ăn trái khác như: thanh long, nhãn, sa pô, ổi, bước đầu cho kết quả rất khả quan.

Từ sự cần cù, chịu khó, tự tìm cho mình hướng đi mới, người dân nơi đây đã biến vùng đất phèn mặn thành những vườn cây ăn trái và những luống hoa màu quanh năm tươi tốt. Theo đó, tăng thêm nguồn thu nhập trên cùng diện tích đất, từng bước vươn lên khá, giàu.


Có thể bạn quan tâm

thay-doi-ky-thuat-nuoi-bo-de-ma-hieu-qua Thay đổi kỹ thuật nuôi… tuoi-tiet-kiem-nuoc-cho-cay-trong-can Tưới tiết kiệm nước cho…