Mô hình kinh tế Trang trại rau hữu cơ rộng 60ha

Trang trại rau hữu cơ rộng 60ha

Tác giả Ngọc Ly, ngày đăng 12/04/2022

Trang trại rau hữu cơ Hoa Viên nằm ở xóm Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị Trương Kim Hoa, chủ trang trại Hoa Viên đã cải tạo mảnh đất hoang thành mô hình trồng rau hữu cơ. Trang trại trồng trên 50 loại rau khác nhau ở 6 chủng loại: rau đặc sản, rau ăn lá, củ quả, rau gia vị, hoa quả, thảo mộc.

Quy trình trồng rau hữu cơ được thực hiện nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến thu hoạch. Các công đoạn dọn cỏ, cải tạo đất đều làm thủ công. Toàn bộ cỏ dại, tàn dư thực vật sau thu hoạch được thu gom, ngâm ủ, cho trùn quế ăn. Khu vực xử lý tàn dư thực vật và làm phân hữu cơ bố trí riêng cách ly với khu trồng trọt, có diện tích hơn 2000m2.

Tận dụng nguồn nước tinh khiết từ núi Vua Bà chảy quanh năm, chị Hoa dẫn 5km nước qua các bể lọc trên cao và bể con (tổng dung tích 2000m3), đồng thời sử dụng hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt theo công nghệ tiên tiến trên 100% diện tích vườn.

Đất rừng nguyên sinh dưới chân núi Ba Vì của vườn là một trong những lợi thế để trồng rau hữu cơ. Tuy nhiên, sau mỗi trận mưa, đất đá trôi dạt từ trên rừng xuống, nằm đè lên những luống rau. Vì vậy, công nhân ở đây giăng lưới quanh các thửa ruộng, đồng thời nhặt đá và cải tạo đất trồng mỗi ngày.

Công nhân tại trang trại tăng chất lượng, độ phì của đất bằng áp dụng biện pháp quản lý canh tác trồng trọt, trồng cây họ đậu để tận dụng khả năng cố định đạm. Bên cạnh đó, trang trại kết hợp sử dụng bón phân trùn quế do trang trại trực tiếp sản xuất và nước đậu tương ngâm ủ.

Chủ trang trại giữ lại hơn 50ha (chiếm hơn 83% diện tích sản xuất hữu cơ) làm môi trường sống cho các loài động vật, thực vật khác nhau trong kênh rạch, ao hồ và để cây cỏ mọc tự nhiên, phát triển cây trồng vùng đệm, rừng, vườn quả hỗn hợp.

Rau được trồng theo hình thức luân canh, xen canh. Một số loại rau, củ, quả như su hào, bắp cải, dưa chuột... được trồng trong nhà màng với chế độ chăm sóc riêng.

Tại trang trại, công nhân dành 30 phút mỗi ngày để bắt sâu, dùng đèn, bẫy bả sinh học và lợi dụng thiên địch để trừ sâu.

Từ rừng, các loài chim, kỳ nhông, thằn lằn, cóc sà xuống các luống rau để ăn sâu, nếu sâu xuất hiện nhiều thì các tấm lưới có chức năng dồn chúng ra ngoài để thiên địch có chỗ về kiếm ăn.

Trang trại sử dụng trên 100 lao động, với 90% là người dân địa phương. Những người ở xa sẽ ở tại các nhà chòi, nhà cấp 4 xung quanh các khu trồng rau.

Rau được thu hái vào khoảng 4 đến 5 giờ sáng hàng ngày và vận chuyển ngay cùng các loại cây giống đến nơi tiêu thụ trong nội thành Hà Nội. Mùa hè, trang trại đạt sản lượng 0,5 tấn/ngày, tăng lên 1 tấn/ngày vào mùa đông do tiêu thụ nhiều các loại củ, quả.


Có thể bạn quan tâm

lam-giau-tu-nuoi-tom-cong-nghe-cao Làm giàu từ nuôi tôm… phat-trien-kinh-te-gia-dinh-tu-viec-nuoi-dui Phát triển kinh tế gia…