Mô hình kinh tế Triển Khai Nghị Định 67 Về Phát Triển Thủy Sản

Triển Khai Nghị Định 67 Về Phát Triển Thủy Sản

Ngày đăng 22/08/2014

Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản là chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành thủy sản, đặc biệt là với nghề đánh bắt thủy sản xa bờ, sẽ có hiệu lực vào ngày 25/8 tới.

Sáng 22/8, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa diễn ra Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát; Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Xuân Cường; lãnh đạo các bộ, ban ngành của Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp đóng tàu trên cả nước tham dự.

10 văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định gồm các Quyết định, Thông tư của Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã được ban hành hoặc đang ở dạng dự thảo lần cuối, sẽ được tiếp tục góp ý tại Hội nghị để các bộ, ngành ban hành cùng thời gian có hiệu lực của Nghị định 67.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng. Bộ Tài chính đang dự thảo các Thông tư về: Chính sách hỗ trợ đầu tư, ưu đãi thuế và một số chính sách khác, cấp bù lãi suất, thực hiện chính sách bảo hiểm; hướng dẫn một số vấn đề với các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia Nghị định 67.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã ban hành Quyết định chỉ định các đơn vị thiết kế mẫu tàu cá vỏ thép, khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần, Quyết định hướng dẫn về số lượng tàu cá đóng mới. Bộ NNPTNT đang dự thảo lần cuối các Thông tư: Quy định yêu cầu kỹ thuật đối với thiết kế mẫu tàu cá; quy định yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá; quy định về duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép.

Một số điểm đáng chú ý trong các Thông tư hướng dẫn là Bộ NNPTNT xác định số lượng tàu cá đóng mới cho từng khu vực và 28 địa phương có biển để đảm bảo quy hoạch đội tàu đánh bắt xa bờ. Theo đó, tổng số lượng tàu cá đóng mới không vượt quá 2.079 tàu và 205 tàu dịch vụ hậu cần.

Vừa qua, Hội đồng Tư vấn thẩm định kỹ thuật đã xét duyệt tổng cộng 66 mẫu tàu của các đơn vị đóng tàu và đã chọn ra được 21 mẫu tàu cho 5 nhóm nghề: Câu, rê, vây, chụp và dịch vụ hậu cần ở 4 vùng biển của nước ta. Bộ NNPTNT cũng đặt ra kế hoạch cụ thể trong duy tu, bảo dưỡng tàu cá… Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn cơ chế đầu tư các hạng mục hạ tầng thiết yếu của cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, chính sách thuế, chi phí hỗ trợ đào tạo thuyền viên, chi phí thiết kế tàu vỏ thép…

Trong thực hiện hợp đồng bảo hiểm cho tàu và thuyền viên, ngoài mức hỗ trợ rất cao, Nhà nước sẽ hỗ trợ chi trả trực tiếp cho doanh nghiệp bảo hiểm, không để người dân phải tự làm thủ tục đóng bảo hiểm như trước…

Trong phạm vi quản lý của mình, Ngân hàng Nhà nước quy định tất cả các ngân hàng thương mại có thể tham gia Nghị định (trước đây chủ yếu là ngân hàng thương mại Nhà nước có cổ phần chi phối tham gia hỗ trợ ngư dân đóng tàu).

Ngoài lãi suất được coi như thấp nhất từ trước tới nay (ngư dân không phải trả lãi suất trong năm đầu từ khi đóng tàu và 1-3% trong các năm tiếp theo), thì NHNN cũng quy định cho vay lưu động không cần tài sản đảm bảo trên cơ sở kiểm soát được dòng tiền khi chủ tàu tham gia sản xuất theo chuỗi.

Tại Hội nghị này, các sở, ban ngành của các địa phương, các doanh nghiệp sẽ đóng góp ý kiến để hoàn thiện các Thông tư để các bộ tập hợp, ban hành cùng thời gian Nghị định 67 có hiệu lực.


Có thể bạn quan tâm

diem-tac-cai-lao-ca-phe-viet Điểm Tắc “Cải Lão” Cà… tam-tru-gao-con-cham-chap Tạm Trữ Gạo Còn Chậm…