Triển Vọng Nuôi Thương Phẩm Và Sản Xuất Giống Cá Lóc, Cá Rô Đầu Vuông Ở Thanh Hóa
Cá lóc (cá chuối/cá quả) và cá rô đầu vuông là hai loài cá tự nhiên, thịt thơm ngon được nhiều người ưa thích. Do môi trường sống ngày càng thu hẹp và bị khai thác quá mức khiến cho hai loài này ở ngoài tự nhiên càng trở nên khan hiếm, nhiều nơi có nguy cơ cạn kiệt.
Trước tình hình đó, năm 2010 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh Hoá, Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa đã xây dựng mô hình nuôi nhân tạo cá lóc, cá rô đầu vuông theo hướng thương phẩm.
Qua rất nhiều thất bại ban đầu tại các mô hình khảo nghiệm, các cơ quan chức năng nói trên, các nhà khoa học đã dần đúc rút được kinh nghiệm, ương nuôi thành công trên nhiều địa phương trong tỉnh. Sự thành công đó đã trở thành dự án khoa học cấp tỉnh của Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa và đã tạo ra một hình thức nuôi mới (trên bể xi-măng), cho hiệu quả kinh tế cao.
Riêng cá rô đầu vuông, năm 2010 được di nhập giống từ các tỉnh miền Tây Nam bộ để nuôi thử nghiệm. Năm 2011, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức sản xuất nhiều mô hình trình diễn tại xã Quảng Đại (Quảng Xương), Thiệu Tâm (Thiệu Hóa) với mật độ 15 con/m2, sử dụng thức ăn viên nổi. Kết quả bước đầu sau 4 tháng nuôi, cá rô đã đạt từ 80 đến 100g/con, năng suất cao nhất đạt 15 tấn/ha/vụ. Từ những thành công ban đầu, năm 2012, loại cá này đã được triển khai nuôi thâm canh trên diện rộng tại 6 huyện trong tỉnh, gồm: Nông Cống, Thạch Thành, Hà Trung, Thiệu Hóa, Như Thanh, Đông Sơn. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân, hộ nông dân trên toàn tỉnh đã tự đầu tư, nuôi cá thương phẩm (được Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa hỗ trợ các thông tin, tài liệu kỹ thuật). Qua các mô hình thâm canh tại 6 huyện nói trên, cá có tốc độ tăng trưởng nhanh, trọng lượng cá đạt từ 80 đến 200g/con sau 1 lứa nuôi (từ 100 đến 123 ngày).
Những lứa cá thu hoạch vào cuối năm 2012 âm lịch vừa qua, năng suất đạt 60 tấn/ha/vụ, trung bình toàn tỉnh đạt 30 tấn/ha/vụ. Hộ ông Lê Văn Lợi, xã Đông Quang (Đông Sơn) thả nuôi trên diện tích 450 m2, chi phí hết 1,2 tấn thức ăn công nghiệp và 500 kg lúa ủ mầm, thu được 1,3 tấn cá thương phẩm. Giá cá trung bình tại thời điểm xuất bán đạt 44.000 đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí, ông có lãi 27 triệu đồng/vụ nuôi. Gia đình anh Nguyễn Văn An (xã Hà Đông, huyện Hà Trung) thu được 1,2 tấn cá/400 m2 mặt nước ao nuôi. Theo tính toán của anh An, sau khi trừ chi phí còn lãi 24 triệu đồng. Tương tự, hộ ông Lê Minh Định, ở huyện Thạch Thành cũng có lãi trên 12 triệu đồng sau khi thu hoạch lứa cá tại ao nuôi rộng 600 m2.
Với giống cá lóc, hiện đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng trên địa bàn tỉnh. Đây là giống cá dễ nuôi, nuôi được với mật độ cao, thời gian nuôi ngắn, chất lượng thịt ngon, cho hiệu quả kinh tế cao, được thị trường ưa thích. Hiện tại, năng suất cá lóc có thể đạt 20 tấn/ha với hình thức nuôi ao và trên 100 tấn/ha với hình thức nuôi bể. Đáng nói, có thể tận dụng các loài cá tạp từ khai thác trên biển làm thức ăn cho cá lóc nên chi phí nuôi rẻ, lãi cao.
Hiện nay, đã có hàng trăm hộ nông dân trong tỉnh, đặc biệt là vùng ven biển thuộc các huyện, thị xã: Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Sầm Sơn, Nga Sơn đã nhân rộng mô hình nuôi cá lóc trên bể xi-măng. Nhiều hộ nuôi cá lóc đã trở thành điển hình làm kinh tế tại địa phương. Đơn cử như hộ các ông: Ngô Hữu Hòa, Nguyễn Văn Nghi, ở xã Quảng Cư (thị xã Sầm Sơn); hộ anh Cao Văn Thắng, ở xã Quảng Đại (Quảng Xương)... Tại các huyện Đông Sơn, Hà Trung, Triệu Sơn, Yên Định, Ngọc Lặc, Thiệu Hóa, Thạch Thành và TP Thanh Hóa, nhiều gia đình nuôi trong ao đất, cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, giá cá lóc xuất bán từ 42 đến 65.000 đồng/kg, người nuôi có lợi nhuận từ 30 đến 50% tổng chi phí.
Giai đoạn đầu, việc nuôi thương phẩm chưa mấy hiệu quả bởi giống cá trên phải di nhập từ miền Nam. Ngoài việc phải mua giống giá cao do chi phí vận chuyển, tỷ lệ cá sống sau thả rất thấp vì sự khác biệt khí hậu. Nhiều ao nuôi, bể nuôi, cá chỉ sống trên 10% khiến người nuôi có lãi ít. Việc sản xuất các giống cá nói trên ngay tại Thanh Hóa là rất cần thiết. Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa đã bắt tay vào khảo sát, kiểm tra thực địa về ao cho sinh sản, ao ương giống, nguồn nước, sau đó mời các chuyên gia từ Đại học Cần Thơ ra Thanh Hóa tư vấn, cùng nghiên cứu sản xuất giống.
Sau nhiều thất bại, như: không đạt được con giống nào ở mô hình tại gia đình ông Nguyễn Bá Hoàn (xã Nga Hải, huyện Nga Sơn); tỷ lệ cá con chết cao tại các mô hình ở Tĩnh Gia, Quảng Xương... đã trở thành những bài học kinh nghiệm để các chuyên gia khắc phục trong quá trình sản xuất.
Qua thực tế, giống cá được sản xuất ngay tại Thanh Hóa có ưu thế hơn hẳn so với các giống di ương. Cá giống được sinh ra ngay tại tỉnh nhà có tỷ lệ sống cao, phát triển nhanh hơn, thời gian nuôi ngắn, ít dịch bệnh, tăng lợi nhuận. Ngay cả các trại chuyên sản xuất cá giống, giá trị kinh tế mang lại còn cao gấp nhiều lần nuôi thương phẩm, tạo ra nhiều việc làm cho lao động địa phương. Làm chủ được công nghệ sản xuất giống, nghề nuôi cá rô đầu vuông, cá lóc tại Thanh Hóa đang có nhiều triển vọng phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ