Triển vọng thị trường nông nghiệp Việt 2017: Lo nhất là lúa gạo
Với hàng loạt phân tích, báo cáo mới nhất về sự tăng trưởng của các ngành hàng chính như thuỷ sản, rau quả, cà phê, cao su, đồ gỗ... Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) nhận định, các số liệu đã từng công bố có thể chưa phản ánh hết tăng trưởng của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Tôm đang được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị cao cho ngành xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam (ảnh minh hoạ). Ảnh: I.T
Đánh giá về tăng trưởng thấp hơn thực tế?
Tại Hội thảo Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam do Ipsard và Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 24.5, TS Nguyễn Trung Kiên – Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường và ngành hàng đã trình bày báo cáo Thị trường nông nghiệp Việt Nam năm 2016 và triển vọng năm 2017.
Báo cáo chỉ ra trong giai đoạn từ 2014 - 2016, đỉnh tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm sau đều thấp hơn năm trước, ngành nông nghiệp chỉ đóng góp khoảng 0,36% GDP cả nước, kéo theo đó là tỷ trọng đầu tư phát triển toàn xã hội và đầu tư công cho ngành nông - lâm thuỷ sản thấp và giảm liên tục trong khoảng 1 thập kỷ qua.
Cụ thể, từ mức đầu tư chiếm hơn 7% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2005, đến năm 2015 mức đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp đã giảm chỉ còn chưa đến 6%. Sự kém hấp dẫn của lĩnh vực nông nghiệp còn thể hiện ở chỗ, năm 2016, tỷ trọng FDI dành cho nông lâm thuỷ sản vẫn rất nhỏ bé, chỉ chiếm 0,41% trong cơ cấu các ngành kinh tế.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Trung Kiên, trong bức tranh tăng trưởng của ngành nông nghiệp và thương mại nông nghiệp nước ta lại có những trái chiều đáng chú ý. Đó là tăng trưởng xuất khẩu nông lâm sản thuỷ sản biến động mạnh, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với tăng trưởng giá trị sản xuất; đồng thời ngành nông nghiệp vẫn tiếp tục có đóng góp lớn vào cán cân thương mại Việt Nam.
Dự báo về triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2017, TS Nguyễn Trung Kiên cho rằng năm nay chúng ta tiếp tục có các triển vọng tích cực. Thực tế cho thấy, trong quý I.2017, xuất khẩu cà phê đã tăng tới 27% về giá trị; thuỷ sản cũng tăng 3%; cao su tăng 6% về lượng và tăng tới 90% về giá trị; rau quả cũng tăng tới 23%. Nếu có lo ngại về thị trường xuất khẩu nông sản thì chủ yếu nằm ở lĩnh vực lúa gạo.
"Hiện nay tồn kho gạo thế giới nói chung và các nước xuất nhập khẩu gạo lớn còn cao, điều này duy trì giá gạo đi ngang chứ rất khó tăng đột biến. Trong khi đó, gạo Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt với gạo Ấn Độ, Thái Lan và chiến lược đa dạng hoá nguồn cung của Trung Quốc, Philippines. Khuynh hướng suy giảm tiếp diễn cả về lượng lẫn giá trị xuất khẩu gạo trong quý I.2017 đang báo hiệu 1 năm không dễ dàng gì đối với xuất khẩu gạo" - báo cáo của Ipsard nhận định.
Tuy nhiên, ông Lưu Ngọc Lương - đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói: “Mặc dù các chuyên gia đều cho rằng điểm sáng nhất của nông nghiệp Việt Nam trong năm nay là xuất khẩu, song chúng ta cũng không nên quá tự hào về điều này. Bởi bản chất của xuất khẩu nhiều ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là xuất khẩu tài nguyên".
Xác định lại động lực tăng trưởng
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Ipsard cho hay, ngoài mục đích cung cấp thông tin, đưa ra dự báo về thị trường nông sản 2-3 năm tới, Hội thảo Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp năm nay có thêm chủ đề mới, đó là định vị lại nền nông nghiệp Việt Nam trên thị trường nông nghiệp toàn cầu.
Rau củ, trái cây đang được xem là điểm sáng nhất của xuất khẩu nông sản Việt Nam trong năm 2017. (Trong ảnh: Nông dân Hà Nội thu hoạch rau cải bắp - Trần Quang)
Dẫn lại một số cuộc giải cứu nông sản gần đây, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, nông nghiệp Việt Nam có năng lực về cung khá tốt. Mỗi khi có thay đổi nhu cầu thị trường, nhất là khi thị trường xuất khẩu có dấu hiệu hút hàng thì cung trong nước bật lên rất nhanh. Từ thực tế này đặt ra nhiệm vụ cho các cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách để đưa ra những thông tin chuẩn xác nhằm khơi thông và đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo dự báo của Ipsard, năm 2017, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục đứng trước những khó khăn thách thức được dự báo sẽ không giảm so với năm 2016, đặc biệt là dư địa cho Việt Nam có những đột phá trên thị trường xuất khẩu nông sản quốc tế đang hẹp dần. Cụ thể, về phía cầu, xuất khẩu nông sản phải đối mặt với các rào cản thương mại ngày càng phức tạp và khắt khe, cạnh tranh gay gắt với các nước đang đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu nông sản khác; giá cả nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa phục hồi.
Về phía cung, tình trạng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường biển được dự báo tiếp tục ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp. Năng lực sản xuất dư thừa của một số ngành hàng như chăn nuôi khiến những ngành này gặp nhiều rủi ro từ thị trường xuất khẩu.
Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 3 năm 2017 ước đạt 1,96 tỷ USD, đưa giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 6,01 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, chúng ta phải chi tới 4,51 tỷ USD để nhập các mặt hàng nông sản chính, tăng khoảng 20,1% so với cùng kỳ năm 2016...
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ