Triển vọng từ mô hình nuôi cá chẽm trong ao tôm bị dịch bệnh
Sau nhiều năm nuôi tôm liên tục thất bại do dịch bệnh, ông Hoàng Sau ở tại thôn Hà Tây (xã Triệu An, huyện Triệu Phong) đã mạnh dạn đưa đối tượng cá chẽm vào nuôi thử nghiệm. Đây là mô hình nuôi cá chẽm đầu tiên tại huyện Triệu Phong, bước đầu có nhiều triển vọng, hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi cá chẽm trong ao đất của mình ông Hoàng Sau vừa cho biết, gia đình ông đã có thâm niên nuôi tôm hơn 10 năm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nuôi tôm rất bấp bênh, hiệu quả kinh tế thấp. Nguyên nhân chính là do nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế cũng như tâm lý của các hộ nuôi. Gần 1 ha ao nuôi của gia đình ông cũng chỉ nuôi cầm chừng, vụ được vụ mất. Với quyết tâm không để lãng phí tiềm năng đất đai, sau khi tham khảo qua sách, báo, tài liệu kỹ thuật, ông quyết định chọn đối tượng cá chẽm đưa vào nuôi thử nghiệm để thay thế cho con tôm đầy rủi ro. Tháng 8/2018, ông vào tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mua 1.200 con cá chẽm giống kích cỡ 12,5 cm/con đưa về thả nuôi trên diện tích 4.000 m2 . Đến nay sau hơn 4,5 tháng thả nuôi, cá phát triển rất tốt, trọng lượng bình quân khoảng 0,7 kg/con. Ông Sau cho biết thêm: “Nuôi cá chẽm khỏe hơn gấp 2 - 3 lần so với nuôi tôm bởi rủi ro ít, kỹ thuật lại không quá khó, thức ăn chủ yếu là các loại cá tạp dễ mua, giá rẻ nên chi phí thấp. Vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 này, tôi sẽ tiến hành cho thu tỉa vài tạ để bán ra thị trường. Đến khoảng tháng 3/2019, khi cá có kích cỡ từ 1 kg/con trở lên thì sẽ tiến hành cho thu hoạch toàn bộ. Dự kiến sản lượng ước đạt 1 tấn cá thương phẩm, với giá bán từ 90 - 100 nghìn đồng/kg, thì sau trừ chi phí, tôi lãi chắc 50 - 60 triệu đồng”.
Theo ông Sau, nuôi cá chẽm đòi hỏi nguồn vốn đầu tư ban đầu không cao, ít rủi ro hơn so với nuôi tôm, thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng là đã cho thu hoạch. Hơn nữa cá chẽm có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi do có khả năng thích nghi với điều kiện môi trường, với các loại thức ăn. “Nếu so sánh với một số đối tượng thủy sản khác tại địa phương thì hiệu quả từ mô hình nuôi cá chẽm là khá cao. Thu hoạch vụ này xong, tôi sẽ cải tạo lại ao rồi tiếp tục thả nuôi đối tượng cá chẽm này và mở rộng thêm một số ao nữa”, ông Sau cho hay.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá chẽm, ông Sau cho biết, do cá chẽm cần nhiều ôxy nên trong ao phải lắp đặt sẵn guồng quạt nước, khi thấy cá có hiện tượng nổi đầu cần phải cho máy chạy ngay để tránh thiệt hại. Trong quá trình nuôi, định kỳ 1 tháng 1 lần cần xử đáy ao bằng Zeolite. Thức ăn cho cá chẽm là cá biển tươi hoặc các loại cá tạp nước ngọt nhưng cá phải tươi, không được ôi thiu. Trước khi cho ăn cần phải làm sạch ruột cá, chặt nhỏ tùy theo kích cỡ cá trong ao. Cho cá ăn 2 lần/ ngày trong 2 tháng đầu, từ tháng nuôi thứ 3 trở đi chỉ cần cho cá ăn 1 lần/ngày. Cho cá ăn cố định ở vị trí nhất định trong ao, khi cá ăn no và bỏ đi thì dừng cho ăn. “Do cá chẽm là loài cá dữ nên cần phải cung cấp đầy đủ thức ăn cho cá, tránh hiện tượng ăn lẫn nhau. Theo kinh nghiệm của tôi, trước khi thả giống cá chẽm khoảng 1 tháng nên lấy nước vào ao và thả nuôi khoảng 100 con cá rô phi bố mẹ. Đến khi thả giống cá chẽm thì cũng là lúc cá rô phi bắt đầu đẻ. Cá rô phi con sinh ra chính là nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có cho cá chẽm”, ông Sau tiết lộ.
Anh Dương Văn Hợi, cán bộ khuyến nông thôn Hà Tây cho biết, cá chẽm là đối tượng nuôi mới, lần đầu tiên được đưa vào nuôi trên địa bàn xã nhưng đã cho thấy được sự thích nghi tốt, hầu như không có dịch bệnh, tỷ lệ sống cao, dễ chăm sóc. Đây là đối tượng thủy sản có giá trị dinh dưỡng cao, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Anh Hợi cho biết thêm, tổng diện tích nuôi tôm của thôn là gần 36,9 ha. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra thường xuyên. Hầu hết các hộ nuôi đều lâm vào tình trạng thua lỗ. Qua tìm hiểu, nguyên nhân làm cho dịch bệnh xảy ra liên tục do môi trường ao nuôi bị suy thoái, mầm bệnh của tôm luôn tồn tại trong ao từ vụ này sang vụ khác, nếu nuôi tôm liên tục, không có biện pháp luân canh thì đều thất bại do dịch bệnh. Vì vậy, thành công từ mô hình nuôi cá chẽm của ông Sau sẽ giúp đa dạng đối tượng nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích mặt nước, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ