Tin nông nghiệp Trồng cây ăn trái, ăn lá trên bãi rác

Trồng cây ăn trái, ăn lá trên bãi rác

Tác giả Hứa Phương, ngày đăng 20/08/2016

Mời dân vào tham quan bãi rác

Sau khi đi tham quan và chứng kiến Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM trồng lan, ổi, mãng cầu, dưa lưới… để cải tạo đất trong bãi rác, ông Trần Văn Ước (ấp 7) nhận xét, đây là việc đáng mừng.

Tuy nhiên, đất này là rác thải nên cần xem lại việc trồng cây ăn trái.

Hiện nguồn nước ngầm ở đây không sử dụng được vì chứa nhiều lưu huỳnh, armoni…

“Người dân đào giếng lấy nước nuôi heo, bò nhưng thấy nước bốc mùi hôi thối, sùi bọt như xà bông, bò, heo uống vào là chết.

Nguồn nước còn ô nhiễm nặng như vậy thì làm sao đảm bảo trồng cây không bị ảnh hưởng? Chỉ khi nào khắc phục được tận gốc nguồn nước thì người dân mới yên tâm” - ông Ước cho biết.

Trong thời gian qua, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM đã xây dựng, phát triển và biến bãi rác Đông Thạnh thành vườn sinh thái và khu nông nghiệp công nghệ cao như vườn mai, vườn lan, vườn kiểng, các loại cây ăn quả và thảm xanh.

Năm 2015, công ty phối hợp Công ty Nông Phát xây dựng vườn nông sản công nghệ cao (trồng dưa lưới theo công nghệ trồng Israel).

Ông cũng kiến nghị, thay vì trồng cây ăn trái, ăn lá thì Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM nên trồng cây lấy gỗ.

Bà Nguyễn Ngọc Diệp ở ấp 3 thẳng thắn bày tỏ: “Hiện người dân đã có nước sạch, nhưng muốn nuôi con heo, con bò thì không biết lấy nước nào cho con vật uống.

Nếu lấy nước ngầm thì ô nhiễm sợ vật nuôi chết hết, còn lấy nước sạch thì chi phí đắt đỏ.

Nguyện vọng của chúng tôi là di dời lò đốt rác ra khỏi khu vực dân cư” - bà Diệp nói.

Ông Cao Văn Tuấn - Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho biết, trước năm 2002, bãi rác Đông Thạnh thuộc Công ty Xử lý chất thải TP.HCM quản lý và vận hành.

Khi đó, toàn bộ rác thải của thành phố được xử lý bằng cách chôn lấp tự nhiên, không có lớp lót đáy và chống thấm.

Cuối năm 2002, UBND TP.HCM quyết định đóng cửa bãi chôn lấp rác Đông Thạnh và năm 2003, giao công trường xử lý rác Đông Thạnh (40,4ha) cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM quản lý và thực hiện các giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường cho đến hiện nay.

Di dời khu xử lý rác trong 12 tháng

Gần đây, trong buổi làm việc của ông Lê Văn Khoa – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, để đánh giá mức độ ô nhiễm, tình hình sức khỏe người dân sống xung quanh bãi rác Đông Thạnh, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng và các bệnh viện khám chữa bệnh miễn phí cho 1.793 người dân sống xung quanh bãi rác (thuộc 2 xã Nhị Bình và Đông Thạnh).

Theo Sở Y tế, số người mắc bệnh tại khu vực này đa số là những bệnh mãn tính, như: Huyết áp, viêm khớp… không lây nhiễm và rơi vào những người cao tuổi.

Những trường hợp mắc bệnh về viêm họng, viêm mũi dị ứng không cao (4%).

Kể cả 9 trường hợp bị ung thư sống xung quanh bãi rác thì tỷ lệ này cũng không phải là bất thường và không tăng so với những khu vực khác trên địa bàn thành phố.

Về vấn đề nước sạch, ông Khoa yêu cầu trong tháng 8 này, tất cả người dân sống xung quanh bãi rác Đông Thạnh phải được cung cấp nước sạch.

Đại diện Công ty Cấp nước Sawaco cho biết, đã có 2 bồn nước sạch tại đây cho dân sử dụng và đang lắp đặt đường ống, trong tháng 8 bà con sẽ có nước sạch dùng.

UBND TP.HCM cũng đã giao cho Sở TNMT nghiên cứu thực hiện việc di dời khu xử lý rác tại bãi rác Đông Thạnh tối đa trong vòng 12 tháng.

“Bãi rác Đông Thạnh là bãi rác phù hợp hơn chục năm về trước vì nó đáp ứng cũng như giải quyết nhu cầu xử lý rác của thành phố, nhưng hiện tại không còn phù hợp nữa.

Thành phố sẽ di dời khu xử lý rác nguy hại ở đây về bãi rác Phước Hiệp ở Củ Chi” - ông nói.


Có thể bạn quan tâm

nhung-vuon-nhan-ty-dong-o-vung-sau-son-la Những vườn nhãn tỷ đồng… lao-nong-nguoi-nung-chinh-phuc-vung-dat-bazan Lão nông người Nùng chinh…