Mô hình kinh tế Trồng chanh cho hiệu quả kinh tế cao

Trồng chanh cho hiệu quả kinh tế cao

Ngày đăng 15/05/2015

Người tiên phong

Xuất thân là một người lính, cuộc sống cơm áo đã buộc ông Lăng phải tìm ra cách để vợ con bớt khổ. Ông rời quê hương Hà Nam lên đường vào Nam. 10 năm gắn bó với mảnh đất Bình Phước nhưng cuộc sống vẫn quẩn quanh với đói nghèo. Năm 2009, tạm biệt miền đất hứa ấy, ông đưa vợ con lên Gia Lai lập nghiệp.

Ở Bình Phước, ông Lăng trồng tiêu. Về xứ hồ tiêu Chư Sê, ông đột ngột đổi hướng bởi quá nhiều lần bị cây tiêu “phụ bạc” đến nỗi suýt thành tay trắng. Ông quyết định trồng chanh-loại cây chẳng ai nghĩ sẽ đem lên Tây Nguyên trồng với quy mô hàng hóa. Vùng đất Hớn Quản-Bình Phước trước đây từng nổi tiếng với những vườn chanh trái mùa đem về cho nông dân lãi ròng cả trăm triệu đồng. Những năm tháng gắn bó ở đây ít nhiều cho ông kinh nghiệm để làm chủ loại cây trồng này.

Vậy nhưng, vốn liếng hạn hẹp, ông chỉ dám trồng thử nghiệm 150 gốc chanh. Thấy ổn, ông chiết cây giống để trồng thêm 500 gốc nữa. Ông Lăng nói: “Lúc ấy, nhà nhà hối hả trồng tiêu, cao su, cà phê, không ít người còn cười nhạo tôi, đi trồng loại cây… khác người. Biết vậy nhưng tôi vẫn làm, bởi kinh nghiệm chỉ cho tôi thấy cây chanh rất hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. Tôi cho rằng, cái gì chưa có mà thị trường có nhu cầu mới dễ thắng”.

Sau một vài năm thu bói, từ năm ngoái tới nay, vườn chanh nhà ông đi vào chu kỳ cho thu hoạch ổn định. Hiện nay, trung bình một năm mỗi gốc chanh cho thu không dưới 50 kg. Với mức giá dao động từ 22 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng/kg chanh tươi, hơn 600 gốc chanh đã đem về nguồn thu trên dưới 700 triệu đồng mỗi năm, trong khi chi phí trồng chanh chỉ khoảng 10% tổng số tiền thu về. Thị trường tiêu thụ theo ông Lăng thì vô cùng, có bao nhiêu thương lái ở Chư Sê, Phú Thiện… mua hết bấy nhiêu bởi giá cạnh tranh và trái tươi ngon hơn so với chanh nhập về từ vùng khác.

Thấy có lãi, mùa mưa năm ngoái, ông Lăng quyết định trồng thêm 1.000 gốc chanh tứ quý và 180 cây bưởi da xanh. “Trồng chanh nhanh được thu lắm, cứ đặt cây chiết xuống là năm tới có trái rồi. Một hai năm sau, chanh sẽ cho năng suất ổn định”-ông Lăng chia sẻ. Nhiều người thấy hướng đi của ông Lăng thu lợi lớn, lại an toàn bởi trồng chanh không nhiều rủi ro như cây tiêu nên đổ về tìm ông đặt mua cây giống. Riêng mùa mưa năm ngoái, ông bán được khoảng 5.000 cây chanh chiết với giá 30 ngàn đồng/cây. Chỉ riêng tiền bán cây giống đã đủ vốn đầu tư cho cả năm.

“Một vốn bốn lời”

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng chanh, ông Lăng nói: “Cây chanh trồng không khó, cứ duy trì lượng phân chuồng dồi dào, làm sạch cỏ dại và tỉa bớt chồi cành không muốn duy trì; vào mùa khô thì tưới nước vài ngày một lần để giữ độ ẩm cho cây tươi tốt, trổ bông. Đến kỳ thu hoạch, chỉ cần nhìn trái nào vỏ căng mọng tức là chanh đã già và có thể thu hoạch. Nếu ai quan tâm tới việc trồng chanh, tôi sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm tôi có được”.

Giống chanh tứ quý cho quả quanh năm đã đem về cho ông Lăng nguồn thu nhập khá dồi dào. “Muốn chanh có giá cao phải điều chỉnh cho chanh ra trái vụ. Muốn thế phải canh thời điểm để có chế độ chăm sóc kích cây ra hoa, đậu trái… Nếu để tự nhiên cũng có nhưng lượng trái sẽ ít và không đều”- ông Lăng chia sẻ.

Xen giữa vườn chanh đã cho thu hoạch, ông Lăng còn trồng 500 trụ hồ tiêu sử dụng trụ sống là cây trôm. Ông cho biết thêm, cây chanh có sức sống rất tốt, ưa các loại phân chuồng và hầu như chỉ gặp một vài loại bệnh thông thường như: sâu vẽ bùa, nhện đỏ…, là những loại cây háo nước nên khi trồng xen chúng với nhau, có thể tận dụng nguồn nước tưới, phân bón nên giảm thiểu lượng nước và phân bón bị thất thoát. Cây trôm sau 3-4 năm còn cho khai thác mủ trôm dùng để sản xuất nước giải khát, mỹ phẩm làm đẹp…

Chanh được thu, trong khi tiêu cũng đã cho cắt dây giống và năm tới là thu hoạch bói. Nếu trời thuận, chẳng bao lâu nữa, khu vườn của ông Lăng đem lại nguồn thu bạc tỷ là chuyện không khó.

Chọn hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao, bất chấp sự khác biệt đã khó, biết khai thác và tận dụng tối đa việc trồng xen kẽ các loại cây để nâng cao hiệu quả sử dụng trên cùng một mảnh đất lại càng khó hơn. Tất cả đều là thành quả từ quá trình say mê học hỏi, tìm tòi và dám nghĩ, dám làm. Chính nhờ điều ấy cộng với đôi bàn tay lao động cần cù, không ngại khó, ngại khổ, vợ chồng ông Lăng đã thu được trái ngọt sau nhiều năm tháng bôn ba, vất vả.


Có thể bạn quan tâm

tang-gia-tri-san-pham-ca-tra-can-thiet-phai-che-bien-sau Tăng giá trị sản phẩm… vai-dau-mua-het-90-000-dong-kg Vải đầu mùa hét 90.000…