Mô hình kinh tế Trồng đu đủ ruột vàng

Trồng đu đủ ruột vàng

Ngày đăng 27/10/2015

Để giúp bà con nông dân trồng đu đủ Sinta và Carinosa đạt hiệu quả cao, NNVN giới thiệu kỹ thuật trồng.

Thời vụ: Ở miền Nam, những nơi chủ động nguồn nước tưới thì có thể trồng được quanh năm nhưng thích hợp nhất là trồng vào đầu mùa mưa (tháng 5). Ở miền Bắc và miền Trung, trồng vào vụ thu đông (tháng 9 - 10)

Chuẩn bị cây con

+ Ngâm hạt trong nước ấm trong 5 ngày (phải thay nước mỗi ngày và nên dùng nước ấm), sau đó vớt ra để ráo và gieo vào bầu ươm.

+ Bầu ươm cây con: Trộn xơ dừa với tro trấu và phân chuồng hoai mục với tỷ lệ thể tích: 35% xơ dừa + 35% tro trấu + 30% phân chuồng hoai mục.

+ Gieo hạt sâu khoảng 1 cm. Nếu gieo sâu quá hạt sẽ chậm nảy mầm hoặc không nảy mầm.

+ Nên đặt bầu nơi có nhiều ánh sáng để hạt nảy mầm tốt. Tưới nước vừa phải, không để quá khô hoặc quá ẩm. Phun Validacin, Rovral, Carbendazim, Ridomil, Kasuran... để phòng ngừa bệnh chết cây con.

+ Khi cây con cao khoảng 15 - 20 cm, có 5 - 6 lá (30 - 35 ngày sau gieo) thì đem trồng.

Chuẩn bị đất trồng

+ Đu đủ có thể trồng được trên nhiều loại đất, pH thích hợp từ 5,5 - 6,5. Trồng luống rộng 2 - 2,5m, giữa các luống có rãnh sâu 25 - 30 cm. Vùng đồng bằng, lên líp cao và đường mương sâu để dễ thoát nước.

+ Kích thước hố trồng: 50 x 50 cm, hố sâu 30 cm.

+ Khoảng cách trồng: Hàng cách hàng 2,5 m. Cây cách cây 2 - 2,5 m. Trồng so le. Mật độ khoảng 1.700 - 2000 cây/ha.

+ Sau khi đào hố, tiến hành bón lót. Mỗi hố bón 5 - 10 kg phân chuồng hoai, 0,3 - 0,5 kg vôi bột; 0,3 - 0,5 kg lân; 0,1 - 0,2 kg KCl. Trộn đều tất cả với đất mặt rồi lấp đầy hố hoặc có thể bón lót mỗi cây bằng phân hữu cơ + canxi haifa, organic USA, đặc biệt phân tan chậm bón 1 lần dùng cho 3 tháng (sản phẩm của Osmocoted).

Bón phân và chăm sóc

+ Để tăng trọng lượng và độ ngọt của trái, dùng Super NPK 3-18-18 phun định kỳ cứ 1 tháng/lần từ khi cây bắt đầu ra hoa đậu quả.

+ Cần bón cân đối NPK. Trong đó, kali giúp trái ngọt, thịt chắc, phẩm chất ngon.

+ Bón phân lần 1 sau khi trồng 4 - 6 tuần mỗi gốc Deltatop 20 - 50 gram, hay phân tan chậm (Osmocoted).

+ Bón lần 2 khi cây ra hoa 3.5 - 4 tháng sau khi trồng mỗi gốc Deltatop 50 -80 gram, Tan chậm, canxi haifa, tăng cường hữu cơ + Trung vi lượng (Greensal), phun Chelax calbor, sử dụng bộ Amino K+Ca+B để tăng đậu quả, ngừa xì mủ trái.

+ Bón thúc lần 3 sau khi thu hoạch lứa quả đầu tiên, mỗi gốc bón 100 gr Deltatop hoặc 50 - 80 gr urê; 200 - 250 gr super lân, 80 - 100 gr KCl, 4 - 5 kg phân chuồng hoai.

+ Để tăng trọng lượng và độ ngọt cho trái phun Deltaforlia 9-0-33+Chelax Sugar, Nutak-k, Amino-k, phun định kỳ 20 ngày lần từ khi cây bắt đầu ra hoa đậu quả lần 2.

+ Bón đạm hợp lý, phân có Kali cao (phân Đức 15-3-20, Growmore 15-9-20) hay phun Delta-k, Nutak-k, để trái no tròn, nặng, ngọt.

Phòng trừ sâu bệnh

Sâu hại:

+ Các loại côn trùng chích hút như bọ trĩ, rầy mềm, bọ phấn trắng, rầy xanh, là môi giới truyền bệnh virus, làm cây phát triển kém.

+ Rệp sáp: Đây là loại côn trùng rất phổ biến trên đu đủ. Cần vệ sinh vườn sạch sẽ, tạo thông thoáng trong vườn, tiêu hủy lá già, lá bị hại. Sử dụng các loại thuốc trừ sâu như:  Applaud, Regent, Confidor, Voliam Targo...

Lưu ý, khi sử dụng thuốc nên phun kèm theo chất bám dính vì quần thể rệp sáp có lớp sáp trắng dầy phủ kín.

Bệnh hại:

+ Bệnh đốm vòng: Phòng trị bằng cách vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc phòng trừ các loại côn trùng môi giới truyền bệnh.

+ Bệnh phấn trắng, thán thư: Phun Anvil, Daconil, Topsin, Mancozeb.


Có thể bạn quan tâm

lien-ket-san-xuat-lua-st20 Liên kết sản xuất lúa… phat-dien-tu-khi-sinh-hoc Phát điện từ khí sinh…