Tin nông nghiệp Trồng dưa leo hướng hữu cơ, năng suất, giá bán cao

Trồng dưa leo hướng hữu cơ, năng suất, giá bán cao

Tác giả Gia Phú, ngày đăng 25/08/2021

Nhiều nông dân ở xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ (Long An) đã mạnh dạn chuyển dưa leo trồng truyền thống sang trồng hướng hữu cơ sinh học.

Trồng dưa leo bón phân sinh học vừa tăng năng suất, vừa có giá cao. Ảnh: Gia Phú.

Ông Nguyễn Văn Minh, một trong những nông dân ở ấp Bình Hòa, xã Bình Lãng sản xuất dưa theo sạch với kỹ thuật mới cho leo giàn và kết hợp sử dụng phân bón sinh học WEHG, cho năng suất rất cao từ 5 - 5,5 tấn/công/vụ, cao hơn 1-1,5 tấn/công so với sản xuất dưa leo truyền thống. Đồng thời dưa leo của ông sản xuất ra rất dễ tiêu thụ, bán cao hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thị trường.

Ông Minh cho biết, đầu năm 2020 có lần đi hội thảo do Hội Nông dân huyện Tân Trụ tổ chức về sản xuất rau màu theo hướng hữu cơ, ông về trồng thử 2,5 công dưa leo áp dụng 100% phân sinh học  WEHG và cho thấy năng suất cao, giá bán từ 10.000 -15.000 đồng/kg (tùy vào từng thời điểm), trừ chi phí ông thu lợi nhuận 40 triệu đồng/công/vụ.

Theo ông Minh, dưa leo trồng giàn và áp dụng phân sinh học giúp dưa ít bệnh, giảm khoảng 30% chi phí đầu tư so với trồng truyền thống. Dưa leo trồng khoảng 30 ngày là có trái thu hoạch bán và kéo dài thời gian thu hoạch từ 30 - 35 ngày mới ăn xong một vụ dưa leo.

Ông Nguyễn Tấn Thành, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ cho biết: Toàn xã có khoảng 25 ha trồng rau màu các loại, trong đó có 5 ha trồng dưa leo sản xuất theo hướng sạch, có sử dụng phân sinh học. Mô hình sản xuất bón phân sinh học giúp cây xanh tốt lâu, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người trồng. Đặc biệt sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao được nhiều người tiêu dùng đón nhận.

Trồng dưa leo sạch rất dễ tiêu thụ và bán giá cao hơn từ 1.000 -2.000 đồng/kg so với dưa leo trồng truyền thống trên thị trường. 

Ông Thành cho biết thêm, hiện nay xã đang vận động bà con nông dân mở rộng diện tích cây trồng theo hướng hữu cơ, giảm dần phân thuốc hóa học không những áp dụng trên rau màu mà cần áp dụng trên cây ăn trái như mít Thái, thanh long, chanh và cả trên lúa…

Hiện diện tích sử dụng phân sinh học trên các sản phẩm cây trồng trong xã Bình Lãng đã đạt 15 ha và dự kiến phấn đấu đến cuối năm 2021 tăng lên 20 ha. Địa phương cũng mong muốn sớm được ngành nông nghiệp tỉnh chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP để bán vào các hệ thống siêu thị.


Có thể bạn quan tâm

chuyen-dat-rung-kem-hieu-qua-sang-cay-an-qua Chuyển đất rừng kém hiệu… ung-dung-cong-nghe-tuoi-tiet-kiem-nuoc-loi-du-duong Ứng dụng công nghệ tưới…