Tin nông nghiệp Trồng hoa lan giữa trung tâm thành phố

Trồng hoa lan giữa trung tâm thành phố

Tác giả Lê An, ngày đăng 02/07/2018

Đối với người dân thành phố, với điều kiện đất chật người đông, việc có thể phát triển vườn lan với quy mô lớn là điều khiến nhiều người bất ngờ.

Bà Vũ Thị Lan bên vườn hoa lan độc đáo của mình. ẢNH: L.A

Vậy mà ngay tại trung tâm TP.Biên Hòa (Đồng Nai), cô Vũ Thị Lan (63 tuổi, ngụ KP.4, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã biến điều không thể thành có thể.

Hiện tại cô đang là chủ của 2 vườn lan với quy mô hơn 20.000 m2, mang lại thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm. Và càng bất ngờ hơn khi chủ vườn lan đó là một người phụ nữ khởi đầu nghề trồng lan khi chưa có một chút kinh nghiệm nào.

Xuất phát điểm với nghề nhà giáo, thế nhưng vào năm 1985, khi đồng lương của 2 vợ chồng giáo viên quá thấp, bà Lan quyết định dứt áo với nghiệp “trồng người”. Để chồng an tâm công tác, bà Lan xin nghỉ hưu sớm và ra đời bươn chải, phụ lo kinh tế gia đình. Sau bao năm làm đại lý vé số, suốt ngày quẩn quanh với những con tính khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt. Năm 2012, bà Lan quyết định tạo lập vườn trồng loài hoa này với mục đích làm nơi thư giãn sau những giờ “đau đầu” với thương trường và nuôi giấc mơ có được mảnh vườn riêng thư giãn tuổi già.

Trong vườn của bà Lan hiện có hơn 300.000 cây các loại, trong đó có hai loại lan chính chủ đạo là Mokara và Dendro. Hoa trong vườn mang lại thu nhập hằng ngày từ việc cắt cành. Trung bình mỗi tuần bà cung cấp cho thị trường trên 2.000 cành lan các loại, cho thu nhập trung bình khoảng 40 triệu đồng/tháng.

Nghề trồng cũng lắm công phu

Nói về những khó khăn ban đầu khi đến với nghề trồng lan, bà Lan chia sẻ: “Ban đầu tôi nghĩ đơn giản và làm cũng không khó lắm. Một hai năm đầu không sao nhưng đến năm thứ ba thì bắt đầu trục trặc. Lan bị sâu, bệnh, cây không ra hoa, cả năm trời 2 vợ chồng tìm cách phun thuốc trừ sâu nhưng không hiệu quả. Đi hỏi khắp nơi nhưng không ai chịu chỉ. Tuy nhiên sau một thời gian tìm tỏi cuối cùng trời cũng không phụ lòng người, rốt cuộc tôi cũng tìm ra cách trị sâu bệnh cho cây”.

Bà Lan cho biết, giống lan Mokara hiện rất khan hiếm trên thị trường và loại hoa này hiện được nhiều khách hàng ưa chuộng vì có màu sắc đẹp. Để phòng trừ sâu bệnh, vườn lan của bà được thiết kế khá hiện đại, che chắn bằng công nghệ nhà màng nhằm tránh côn trùng, có hệ thống phun tưới nước tự động nên không cần nhiều công chăm sóc.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với nghề, bà Lan cho biết để có thể làm giàu từ cây lan thì điều quan trọng nhất vẫn là nắm vững kỹ thuật và kinh nghiệm. “Lan là cây loại hoa khó trồng, phải chăm sóc đúng kỹ thuật thì mới cho ra được những cành lan đẹp, ưng ý. Nhu cầu thị trường ngày càng đòi hỏi hoa lan phải đẹp và có những nét độc đáo riêng, do vậy kỹ thuật trồng và chăm sóc hết sức quan trọng. Ngoài ra, trồng lan được xem là một “thú chơi” tao nhã, do đó việc có tạo ra được “thú chơi” thật sự hay không cả cho người trồng và khách hàng là chuyện không hề đơn giản. Nếu không học hỏi, không có kiến thức về lan thì không thể khởi nghiệp thành công với hoa lan”, bà Lan chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

ky-thuat-trong-cay-so-dua-cho-hoa-ra-quanh-nam Kỹ thuật trồng cây so… bi-quyet-lam-giau-trong-buoi-ho-lo-o-dong-nai Bí quyết làm giàu: Trồng…