Trồng lạc bội thu trên vùng đất "sa mạc hoá"
Có thời điểm, toàn bộ những cánh đồng sản xuất lúa của nông dân (ND) vùng ấp Phú Lợi, xã Phú Hữu, huyện An Phú (An Giang) hoàn toàn bị cát vùi lấp. Nhưng nhờ thay đổi cơ cấu cây trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật, vùng đất “chết” ngày nào hiện đang trở thành những cánh đồng lạc (đậu phộng) xanh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con.
Trong ảnh: Nông dân phân loại lạc sau thu hoạch tại huyện An Phú (An Giang). ảnh: S.N
Bắt đất cát cho ra quả ngọt
Cụ thể, năm 2002, mưa lũ lớn đã làm vỡ đê khu vực 7 xã của huyện Tân Châu và An Phú, làm cát vùi lấy toàn bộ 150ha trồng lúa của ND ấp Phú Lợi. Theo ông Phạm Thành Tâm - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện An Phú, có những nơi cát lấp tới hơn 2,3m. Những khu vực đó được gọi là sa mạc và là cánh đồng chết, cây cỏ cũng khó mọc vì quá nóng. Người dân được đền bù thiệt hại rồi nhưng lo lắng khôn nguôi vì cánh đồng là kế sinh nhai của cả gia đình. Năm 2005 – 2006, một số ND mang trồng thử một số loại cây như khoai lang, sắn nhưng không sống được. Chỉ có cây lạc là chống chịu được và phát triển tốt.
Anh Nguyễn Văn Long, ấp Phú Lợi nhớ lại: Nhìn bãi đất mênh mông không trồng trọt gì được, nghĩ cũng xót ruột. Tôi mới trồng thử ngô trên 2.000m2. Vợ chồng chăm bón được 2 tháng, nhưng nắng quá quá, cây cứ héo rũ không phát triển được, đành cắt cho bò ăn. Tôi mới chuyển sang trồng lạc. Không ngờ cây này lại phát triển tốt, cho củ rất nhiều, thế là tôi tăng diện tích lên cả 2ha.
Năm 2006, Phòng NNPTNT huyện An Phú đã tổ chức lớp dạy nghề kỹ thuật trồng lạc và cây lạc phát triển từ đó. Năm 2007, Sở khoa học công nghệ An Giang tổ chức khảo nghiệm giống lạc tại đây và đưa các giống lạc có năng suất cao vào sản xuất. Qua thực tế trồng tại đất cát cho thấy, lạc là cây ngắn ngày, 1 năm có thể trồng được 3 vụ. Năng suất vụ đông xuân trung bình từ 8 tấn/ha, có hộ đạt hơn 10 tấn/ha.Vụ hè thu năng suất trung bình từ 5,5 – 6 tấn/ha. Giá bán trong vụ đông xuân lên tới 17.000 đồng/kg đã giúp bà con ấp Phú Lợi cải thiện đời sống, và phát triển kinh tế.
Đầu tư cơ giới hóa
Ông Phạm Thành Tâm - Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện An Phú cho biết: “Trồng lạc cho thu nhập cao gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa nên thời gian tới, Phòng NNPTNT huyện An Phú sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty CP Tư vấn đầu Tư và Dịch vụ cây trồng Việt Nam để xây dựng mô hình liên kết sản xuất khoảng 30 ha, đầu tư cơ giới từ gieo hạt đến thu hoạch, với hệ thống tưới phun giá rẻ để giảm chi phí lao động cho ND khoảng 70-80%"
Hiện, bà con ND ở huyện An Phú đang bắt đầu gieo trồng lạc vụ hè thu. Mới đây, Phòng NNPTNT huyện An Phú đã phối hợp với Công ty CP Tư vấn đầu tư và Dịch vụ cây trồng Việt nam trình diễn máy tỉa hạt trong vụ thu đông 2016, đông xuân 2017. Theo ông Phạm Thành Tâm, khi sử dụng công cụ trỉa hạt này người dân sẽ chủ động được công lao động, giảm 75% chi phí nhân công. “Đầu tư 1ha lạc tốn khoảng 70 triệu đồng, trong đó chi phí nhân công đã chiếm hơn 32 triệu” - ông Tâm cho biết.
Ông Hồ Hoàng Dũng, ấp Phước Hòa chia sẻ: Nếu trồng bình thường 1.000m2 đất sẽ mất rất nhiều công lao động từ xới đất, làm hàng, bón phân cho tới gieo hạt. Dùng máy này, sau khi làm đất xong sẽ chỉ phải dùng máy để gieo hạt tự động. Trước kia mất cả ngày mới xong, giờ chỉ cần 1-2 người làm trong chưa đầy buổi sáng.
Theo ông Dũng, lạc là loại cây dễ trồng, chỉ cần chăm sóc giai đoạn bỏ hạt đến giai đoạn đâm đọt là lạc phát triển tốt. Trung bình mỗi công đất xuống giống từ 30 - 50kg hạt. Hiện, một số hộ dân đã làm được hệ thống phun tưới tự động, giúp tiết kiệm nước và giảm các chi phí nhiên liệu.
“Ngoài tiêu thụ nội địa, hiện, thị trường Campuchia cũng đang có nhu cầu rất cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ đào tạo kỹ thuật trồng lạc cho ND. Tổ chức nhân giống lạc theo dự án của Trung tâm Khuyến nông quốc gia. /.
Có thể bạn quan tâm
Phần mềm
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao hồ