Cây mía Trồng Mía Trên Nền Phân Hữu Cơ

Trồng Mía Trên Nền Phân Hữu Cơ

Ngày đăng 26/07/2013

Chọn giống: Các giống mía mới như VN84-4137, ROC10, ROC16, quế đường 11; kế đến là VĐ86-368, K84-200 đang được nông dân ĐBSCL ưa chuộng.

Lấy hom giống trên ruộng mía được sáu tháng tuổi đang xanh tốt, chọn những cây to khỏe đứng thẳng, không sâu bệnh, không trổ cờ.

Phân đoạn thân cây mía thành từng hom dài 20-30cm có hai đốt mang mắt cho mầm tốt, ngâm hom giống vào dung dịch nước vôi 1% (1kg vôi pha 100 lít nước) trong 12-24 giờ rồi đem trồng. Tùy theo chân đất trồng mà có thể chọn cách lên liếp, thông thường bà con làm liếp kiểu cuốn chiếu phổ biến hơn liếp kiểu ốp bệ.

Có thể đào hộc sâu 25cm và rộng 30cm để trồng mía theo hàng đơn, hàng cách hàng 1,2m, hom cách hom 30cm. Hoặc đào hộc trồng thành hàng đôi, hàng cách hàng 2,4m, hai hàng mía trên liếp cách nhau 40cm, hom đặt cách nhau 30-40cm, hai hàng đôi cách nhau 1,4m, đất trống trên liếp và giữa các liếp mía dùng để trồng xen đậu nành.

Chọn phân: Bà con sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón lót 1.000-2.000 kg/ha lúc làm liếp, bằng cách rải đều lên rãnh rồi lấp đất mỏng trước khi trồng 1-2 ngày, có thể trộn 15 kg Basudin 10H/ha vào phân bón lót để phòng trị sâu đục thân mía. Bón thúc ở các giai đoạn: Lúc mía sau khi trồng 1-1,5 tháng, bón 750-1.000 kg/ha, từ 2-2,5 tháng tuổi bón lượng phân bằng lần 1, từ 3-4 tháng tuổi bón 500-1.000 kg/ha.

Chú ý mía trồng trên 5 tháng tuổi thì ngưng bón thúc, khi bón phân thúc nên kết hợp lấp đất vô chân mía là tốt nhất, đối với chân đất nhiều cát cần tăng thêm 10% lượng phân bón hữu cơ. Bà con có thể giảm lượng phân hữu cơ nói trên nhưng phải bổ sung thêm 150 kg urê/ha lúc bón thúc lần 2 và 150 kg urê cộng thêm 200 kg kali/ha lúc bón thúc lần 3.

Về chi phí thì sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cho mía có thể bằng số tiền mua phân vô cơ bón trên đơn vị diện tích, do tốn tiền công chuyên chở một số lượng lớn phân bón hữu cơ. Nhưng sử dụng phân hữu cơ để trồng mía không những năng suất tăng thêm 10% so với cách bón phân vô cơ như trước đây, đồng thời có lợi lâu dài cho môi trường và nông sản đạt phẩm chất.

Thu hoạch: Mía sau khi trồng, giống mía chín sớm (VN84-422, VN84-4137, VN85-1859) thì khoảng 10 tháng đạt chữ đường trên 11, giống mía chín trung bình (VN65-65,ROC10,ROC16,VĐ81-3254,VĐ86-368, Quế Đường11) thì khoảng 12 tháng đạt chữ đường 11-12, giống mía chín muộn (K84-200, R570, R579) sau 13 tháng đạt chữ đường 11.

Cách nhận biết khi thấy màu da thân cây mía trở nên bóng sậm, ít phấn, lá khô nhiều, độ ngọt ở ngọn và gốc không chênh lệch là thu hoạch được. Dùng dao bén chặt sát gốc mía, phần ngọn chặt tới mặt trăng thì đạt. Thời gian từ lúc đốn mía tại ruộng và vận chuyển đến nhà máy chế biến trong vòng 24 giờ là tốt nhất, năng suất đường thu được tối đa.

Áp dụng đúng kỹ thuật canh tác, các giống mía mới nêu trên có thể cho năng suất mía nguyên liệu bình quân 120 tấn trên mỗi hecta. Xử lý gốc mía vừa thu hoạch, cuốc bằng mặt liếp chừa 3-5 mầm ẩn, rồi cuốc dọc hai bên gốc mía làm đứt rễ già, xong bón phân lót với lượng tăng thêm 20% so với vụ tơ và lấp đất lại.

Sử dụng phân hữu cơ có mấy tác dụng: Cải tạo đất trồng, làm cho đất tơi xốp, tăng khả năng giữ ẩm lớp đất canh tác, tiết kiệm lượng nước tưới và công lao động chăm sóc, giúp rễ mía phát triển mạnh và bụi mía cho nhiều chồi to, lá xanh tốt; đất được bón phân hữu cơ sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng các loại phân khoáng bón kết hợp, giúp cây mía hấp thu phân vô cơ tốt hơn và an toàn cho môi sinh.


Có thể bạn quan tâm

quy-trinh-san-xuat-mia-cong-nghe-cao-1 Quy Trình Sản Xuất Mía… kinh-nghiem-trong-mia-tim Kinh Nghiệm Trồng Mía Tím